Trạm y tế xã trực 24/24h khám bệnh cho nhân dân vùng lũ

07-08-2018 14:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay, nước đã rút ở hầu hết các xã của hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của Hà Nội. Sau 2 tuần ngâm mình trong nước lũ, người dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang dọn dẹp nhà cửa, làm sạch vệ sinh môi trường. Dịch bệnh có thể bùng phát sau khi nước rút, ngành y tế Hà Nội đã làm gì để giúp người dân? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở y tế Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, nước lũ đã rút ở hầu hết các vùng ngập lụt sâu của các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ, qua các chuyến đi về vùng lụt, ông có thể đánh giá như thế nào về hiện trường môi trường và sức khỏe của người dân hiện nay?

TS Nguyễn Khắc Hiền: Sau hai tuần chìm sâu trong nước lũ, hiện nay tại hai huyện Quốc Oai và Chương Mỹ chỉ còn trên dưới vài chục hộ gia đình vẫn còn bị nước ngập. Cơ bản nước đã rút hết. Đúng như nhận định của ngành y tế, sau khi nước rút, rác thải, xác súc vật chết…gặp thời tiết hửng nắng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật nếu chúng ta không khẩn trương làm sạch môi trường.

Các bệnh ngoài da như nước ăn chân, lở loét bàn chân do người dân phải lội nước bẩn dài ngày, hay những ca đau mắt đỏ cũng đã xuất hiện lẻ tẻ, chúng tôi cũng đã phát hiện và chỉ đạo y tế cơ sở cấp phát thuốc và xử lý ngay cho người dân. Về cơ bản, đến thời điểm điểm hiện nay, chưa phát hiện dịch tại các vùng ngập lụt.

Ông Nguyễn Khắc Hiền (hàng đứng, thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại xã

PV: Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là sau khi nước rút họ sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Khâc Hiền: Quan điểm xuyên suốt của ngành y tế là chủ động trong phòng dịch. Nước rút đến đâu là cán bộ y tế xã, thôn phải có mặt tại chỗ để nắm tình hình, đề ra phương án giúp dân ngay tại nhà. Tại huyện Quốc Oai các đội y tế cơ động phòng chống dịch cơ động của TTYT Dự phòng Hà Nội đã triển khai tổng vệ sinh môi trường. TTYT huyện đã cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch cho các xã và chỉ đạo các trạm y tế xã tham mưu cho UBND xã mua vôi bột để xử lý khử trùng các khu vực bị ngập úng.

Bên cạnh đó, UBND các xã cũng đã huy động nhân dân trên địa bàn tham gia vệ sinh môi trường, vớt các loại rác thải khi trôi dạt vào bờ, thu gom, tập kết và xử lý. tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp tới các hộ gia đình và trên hệ thống loa phát thanh các xã, thị trấn về các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Hàng ngày, trung tâm y tế huyện đã cử cán bộ xuống từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình nước rút và đôn đốc, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

TTYT huyện Quốc Oai còn thành lập 2 đoàn khám để khám, phát hiện sớm bệnh cho nhân dân tại các xã ngập úng. Ngành y tế Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp khi mưa bão, úng ngập; cấp thuốc phòng và điều trị các bệnh về mắt và thuốc điều trị nước ăn chân cho các hộ gia đình bị ngập. Tổ chức thường trực đội cấp cứu lưu động tại TTYT và tại các trạm y tế xã 24/24 giờ. Các xã, thị trấn đã duy trì thực hiện công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế ổn định.

Chúng tôi đã yêu cầu TTYT Dự phòng Hà Nội phun mù nóng tổng vệ sinh cả trong nhà, sân vườn và môi trường xung quanh các hộ bị ngập úng. Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, TTYT huyện tiếp tục chủ động công tác khám chữa bệnh, xuống tận hộ dân thăm khám, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện tiếp tục trở lại sinh hoạt và lao động.

Tại huyện Chương Mỹ sẽ phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ tổ chức khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 8.500 người dân 3 xã bị ngập úng.

Tránh để nhân dân phải chời đợi, các xã sẽ tổ chức khám theo thôn và mời đối tượng theo các giờ trong ngày, mỗi buổi khám không quá 200 người. Đồng thời, để tránh việc dồn quá nhiều người dân đến khám bệnh cùng một lúc, phía ngành y tế đã phối hợp với địa phương truyền thông trên đài truyền thanh, thông báo lịch khám cho nhân dân các thôn bị ngập úng nặng, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo lãnh đạo các thôn viết giấy mời, thông báo đến từng hộ gia đình về thời gian và địa điểm khám; bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm khám…

Đối với công tác khám cho bệnh cho nhân dân, các bệnh viện, TTYT, trạm y tế phải đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc thiết yếu, thuốc phải đảm chất lượng để phục vụ người dân. Các đoàn khám phải đảm bảo đúng quy định về nhân lực, các y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, đồng thời, cần huy động các nguồn nhân lực khác như đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội tại địa phương cùng tham gia hướng dẫn… để công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả.

Ngành y tế chúng tôi rất mong, nhân dân phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế cơ sở, khi có bệnh cần đến ngay trạm y tế, bệnh viện để được thầy thuốc thăm khám. Chủ động thông tin tình hình đến cán bộ y tế cơ sở để chúng tôi kịp nắm bắt thông tin, xử lý nhanh các chùm ca bệnh (nếu có), không để dịch bệnh bùng phát.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.


Quốc Tuấn ( thực hiện)
Ý kiến của bạn