Tại phiên thảo luận ở tổ về Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói về mô hình bác sĩ gia đình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mô hình bác sĩ gia đình ở các nước châu Âu rất chú trọng và phát triển. Lý giải cho sự phát triển mô hình này ở các nước thế giới, Bộ trưởng cho biết, các nước không có trạm y tế mà chỉ có bác sĩ gia đình. Trong khi đó, nước ta có hệ thống y tế từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện và xã.
"Đây là một hệ thống y tế rất ưu việt", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, vừa qua đã thí điểm mô hình bác sĩ gia đình ở một số địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì trạm y tế mới phát huy được hiệu quả bởi bác sĩ gia đình chỉ là một phòng khám rất nhỏ, không đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ từ tiêm chủng, xét nghiệm…
Bộ trưởng cho rằng, sau này chuyển đổi thành nguyên lý y học gia đình, tức coi trạm y tế là một bác sĩ gia đình chung cho cả khu vực người dân sinh sống. Từ đó làm sao để người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe, khi ốm đau được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
"Chúng tôi đang tiến tới tích cực đào tạo về nguyên lý y học gia đình cho y tế cơ sở để đảm bảo người dân được quản lý, chăm sóc về sức khỏe, ốm đau được y tế chăm sóc", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.