Hà Nội

Trạm y tế xã cần đủ năng lực giảm tải cho tuyến trên

01-03-2019 09:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện cả nước có 11.083 trạm y tế xã với 49.544 giường; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 96% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Bình quân các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, nhiều trạm chỉ được cung ứng khoảng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản và số lượng cũng rất hạn chế...

Nâng chất

Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đang được Bộ Y tế tích cực triển khai, hy vọng sẽ là “đòn bẩy” kích cầu chất lượng cho tuyến y tế gần dân nhất này. Theo Bộ Y tế, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, bởi có đến 70% dân số sống ở nông thôn, trong đó có 10% là người cao tuổi. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận. Do đó, mục tiêu trọng tâm là ưu tiên cho quản lý các bệnh không lây nhiễm là tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã.

Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc là: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Nước ta đã xây dựng được 11.400 trạm y tế với gần 50.000 giường bệnh ở tất cả các xã trên toàn quốc để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhưng hơn 10% số trạm y tế ấy hiện vẫn không có bác sĩ. Bộ Y tế trong nhiều năm qua đã triển khai phấn đấu nâng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ lên 85%.

Y tế xã cần cú hích để đủ sức chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Y tế xã cần cú hích để đủ sức chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đào tạo gắn với thực tiễn

Trước sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn cao tại y tế cơ sở, việc bức thiết đòi hỏi ngành y tế phải thực hiện là luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, thực hiện khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ tuyến dưới nắm vững nguyên lý y học gia đình trong quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương. Trong đề án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã điểm tại 8 tỉnh, thành, để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu bác sĩ, Bộ Y tế đã điều động bác sĩ đến làm việc 2-3 ngày/tuần tại 8 trạm còn đang thiếu bác sĩ trong số 26 trạm.

Bộ Y tế đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đồng thời, ngành cũng đưa giảng viên về các huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thay vì phải lên tuyến trên với nhiều chương trình đào tạo khác nhau; thực hiện việc luân chuyển để đưa cán bộ y tế cơ sở vào bệnh viện tuyến trên, qua đó nâng cao kỹ năng lâm sàng lẫn năng lực thực hành.

Thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn khoảng trống quản lý điều trị rất lớn. Đề án của Bộ Y tế lập 26 trạm y tế điểm tại 8 tỉnh, thành là để các địa phương học tập theo. Nhưng thực tế, hiện nay, các trạm y tế xã mới quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường. Như vậy, có tới 86,4% người tăng huyết áp chưa được điều trị; 56,9% người không được phát hiện. Tỷ lệ này với bệnh đái tháo đường cũng cao với 68,9% số người không được phát hiện và 71,1% chưa được điều trị.

Thực tiễn cho thấy, chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều trạm y tế chưa cao, nhiều trạm mới chỉ làm tốt công tác TCMR, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chưa triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục, vệ sinh môi trường, nước sạch để nâng cao sức khỏe nhân dân, vì lẽ đó, với mục tiêu nâng cao sức khỏe nhân dân và nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, đang được Bộ Y tế tích cực thực hiện đồng bộ, để trạm y tế xã đủ năng lực khám chữa bệnh và giảm tải cho tuyến trên.


Vũ Thơ
Ý kiến của bạn