Trạm y tế lưu động điều trị COVID-19 ở địa phương: Cần giám sát và điều trị tốt người bệnh tại nhà

30-11-2021 18:37 | Y tế
google news

SKĐS - Nhằm ứng phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tạm dừng nhiều hoạt động thiết yếu, Đồng Nai tạm dừng cho học sinh học trực tiếp. Trạm y tế lưu động đã được kích hoạt.

Bắc Ninh: Người dân không ra ngoài từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau

Từ 00h ngày 30-11, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, phòng tập thể hình, Yoga, Spa, phòng game, quán bi-a...

Tạm dừng hoạt động tổ chức tiệc cưới (mời khách) cho đến khi có thông báo mới; đám hiếu thực hiện theo các cấp độ dịch.

Bắc Ninh cũng tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tất cả thời gian trong ngày (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người.

Yêu cầu người dân không ra ngoài từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp: thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về,… (phải có giấy tờ liên quan như: thẻ nhân viên, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác)…

Thanh Hóa: Tạm dừng các hoạt động không thiết yếu

Cùng từ ngày 30-11, tỉnh Thanh Hóa hạn chế tổ chức các hoạt động trong nhà, ngoài trời tập trung đông người. Người chưa tiêm vaccine không tham dự các hoạt động đông người, đám hiếu, hỉ. Các hoạt động luyện tập thể dục, thể thao trong nhà; nhà hàng, quán ăn chỉ hoạt động 50% công suất, đóng cửa trước 9h tối.

Tiếp tục dừng hoạt động: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim…

Địa phương này khuyến khích thực hiện các hoạt động trực tuyến đối với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, nếu tổ chức trực tiếp những người tham phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Tính từ ngày 27-4 đến nay, lũy kế Thanh Hoá ghi nhận 2.411 bệnh nhân COVID-19; 1.652 người điều trị khỏi được ra viện; 12 bệnh nhân tử vong.

Các địa phương tăng cường các biệp pháp ứng phó với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Điều trị F0 tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở y tế. Ảnh: AV

Đồng Nai: Nhiều trường tạm dừng học trực tiếp do nhiều học sinh mắc COVID-19

Sau một tuần tỉnh Đồng Nai thí điểm việc học trực tiếp đã có nhiều trường phải chuyển sang học onilne vì ghi nhận các ca mắc là COVID-19 là học sinh. 

Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) và THCS Suối Cao (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) phải quyết định cho học sinh dừng học trực tiếp từ ngày 29-11 để tiếp tục chuyển sang học trực tuyến. 

Trong khi đó, Trường THCS Phước An (H.Nhơn Trạch) dự kiến cho học sinh khối 9 trở lại trường vào ngày 29-11 cũng đã quyết định tạm dừng, vì qua xét nghiệm nhanh COVID-19, nhà trường phát hiện 10 em học sinh khối 9 là F0. Tổng số học sinh mắc COVID-19 của Trường THCS Phước An hiện lên tới 50 em. Hiện địa phương này có tất cả 12 trường đang tiếp tục thực hiện thí điểm dạy trực tiếp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh tiêm phủ vaccine cho trẻ em, khẩn trương lập kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi và tiến tới cộng đồng. 

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai khuyến khích hệ thống y tế tư nhân "chia lửa" với y tế công lập trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Xem xét giảm thời gian cách ly, điều trị tại nhà từ 14 ngày xuống còn 10 ngày giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhân lực sản xuất…

Bạc liêu: Mở rộng điều trị F0 tại nhà

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, dịch lan ra cộng đồng nhiều, khả năng thu dung, điều trị tại các bệnh viện sẽ không tốt nếu cùng lúc có quá nhiều bệnh nhân. Do vậy cần mạnh dạn cho F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà. Tại các cơ sở thu dung cần chọn lọc lại, ưu tiên điều trị bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nền, béo phì.

Ngành y tế  cần tập trung nhanh nhất việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm… để cung cấp cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và các địa phương. Phải ban hành ngay các quy định cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 tại nhà.

Các địa phương phải thật sự mạnh dạn, thật sự quan tâm đến vấn đề cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Phải tổ chức hiệu quả nhằm giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm lãng phí nguồn nhân lực, giảm chi phí cho ngân sách.

An Giang: Điều trị F0 tại nhà mang lại hiệu quả rõ rệt

Ông Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, trong tuần qua, tỉnh An Giang ghi nhận 1.952 trường hợp mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày hơn 280 ca nhiễm, giảm mạnh so tuần trước (trung bình 540 trường hợp/ngày). Nếu như có thời điểm, số ca nhiễm đang điều trị lên 7.300 ca, gây quá tải hệ thống y tế thì hiện nay, số trường hợp đang điều trị còn dưới 5.500 ca, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi điều trị ca mắc COVID-19 ở tầng 1. Hiệu quả rõ rệt cho thấy khi việc cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

Triển khai điều trị F0 không triệu chứng, thể nhẹ tại nhà, số ca chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. 

Tỉnh An Giang cũng mạnh dạn trong việc sử dụng thuốc Molnupiravi để điều trị bệnh nhân COVID-19. Khi bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 là được dùng thuốc Molnupiravir. Nếu kết quả PCR sau đó khẳng định dương tính, người bệnh tiếp tục liệu trình điều trị thuốc này; nếu kết quả âm tính thì trả thuốc lại, ưu tiên cho bệnh nhân khác.

Nhằm phủ nhanh vaccine toàn dân, địa phương này đã phân bổ hơn 70.000 liều vaccine Pfizer, ưu tiên tiêm mũi 1 cho người chưa tiêm. Với người mắc bệnh nền, lớn tuổi, điều kiện đi lại khó khăn, sẽ được nhân viên y tế đến tận nhà tiêm vaccine.

Sóc Trăng: Nhân viên y tế cơ sở là nòng cốt của Trạm y tế lưu động

Tỉnh này đang khẩn trương triển khai mô hình Trạm Y tế xã, phường, thị trấn lưu động có chức năng thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng gia tăng, nhất là các trường hợp phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, số lượng đối tượng tiếp xúc gần F1 tăng theo đã gây ra áp lực lớn cho các cơ sở. 

Đối với mô hình cách ly F1, điều trị F0 tại nhà và mô hình Trạm Y tế lưu động là tất yếu, khách quan. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, việc triển khai phải phù hợp để chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống. 

Công tác quản lý F0, F1 tại nhà phải có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất nhịp nhàng. Đối với mô hình Trạm Y tế lưu động, lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, trong đó, mỗi người dân thuộc diện cách ly phải nâng cao tinh thần trách nhiệm góp phần tránh để phát sinh dịch bệnh trên địa bàn.

Tính đến chiều 30/11, Sóc Trăng đã ghi nhận 17.160 ca mắc COVID-19. Số ca được công bố khỏi bệnh là 10.728 người. Số bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại cơ sở y tế là 6.330 người. Số ca tử vong cộng dồn là 102 người.

Xem thêm video được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19



Ngọc Anh (tổng hợp)
Ý kiến của bạn