KỲ I: NHỮNG BẰNG CỚ KHÓ CHỐI CÃI
Nhi viêm phổi vì nhi yếu?
Trước mặt chúng tôi là một bệnh nhân nhi còn khá nhỏ. Cháu bé mới chỉ có 7 tháng tuổi, đang cư trú ở Quận Hà Đông (TP. Hà Nội). Cháu vẫn ăn chơi khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu gì lạ. Vào ngày chảo lửa Hà Nội nắng nóng, tần suất sử dụng điều hòa của gia đình tăng lên, tất nhiên em bé cũng nằm điều hòa nhiều trong bối cảnh đó. Theo lời bố mẹ kể lại, gần như cả ngày phải nằm điều hòa vì cứ tắt đi thì lại giống như trong lò hơi, nóng không chịu nổi. Hai ngày đầu, có vẻ chưa có gì xảy ra. Sang ngày thứ ba, cháu bắt đầu ho nhẹ, sốt nhẹ. Em đã cho đi điều trị và vẫn tiếp tục nằm điều hòa vì không còn cách nào khác. Đến ngày thứ tư thì bé đã ho nặng lên và nhịp thở quá nhanh. Theo các bác sỹ khám ở tuyến đầu thì nhịp thở của bé đã đạt 60 lần/phút.
Tiến hành khám bé, bối cảnh đầu tiên đó là em bé quá khó thở. Nhịp thở kiểu bụng giật liên tục, hóp ra hóp vào. Em bé có biểu hiện khó thở và suy hô hấp cấp. Ngay tức khắc cháu bé được thở oxy và khí dung theo đường mũi họng. Khám phổi nhận thấy bệnh nhi đã bị viêm phổi. Em bé được áp dụng phác đồ điều trị viêm phổi gồm tiêm kháng sinh, thở oxy và khí dung theo chế độ. Kết quả đến ngày thứ 3 em bé đã có thể bỏ được thở oxy (tức là suy hô hấp đã được giải quyết xong).
Như vậy, chưa điều tra rõ nguyên nhân gây ra là gì nhưng có một yếu tố rất đáng lưu ý là điều hòa đã được sử dụng liên tục, quá nhiều. Có vẻ như điều hòa là nguyên nhân của chứng viêm phổi trên. Kết luận như vậy hơi vội vàng. Bởi có thể cơ thể của trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, sức chống đỡ bệnh tật kém thì có thể bị viêm phổi. Lý do điều hòa không thỏa đáng, các công ty điều hòa hoàn toàn có thể phản bác như vậy?! Chúng ta cùng xem bệnh nhân thứ hai.
Người lớn cũng bệnh
Cách đây 3 ngày trước, chúng tôi có tiếp nhận 1 bệnh nhân nam giới trưởng thành, 33 tuổi, đang cư trú ở Quận Thanh Xuân (Hà Nội). Anh này đến khám bệnh vì than phiền họng quá đau rát và có biểu hiện ho sâu, cảm giác đờm nằm ở tít dưới sâu trong phế quản. Chúng tôi có khám cho anh thì nhận thấy, anh bị viêm họng rất cấp tính. Nhưng điểm lạ, anh không chỉ viêm khu trú ở phần cuống họng mà chúng ta thường nhìn thấy khi soi gương. Ổ viêm còn kéo dài từ phía cửa mũi sau đến tận gần xuống thanh quản, thành một vệt dài đỏ như một dòng nước chảy từ trên xuống dưới. Trong khi đó, anh lại không hề bị ngạt mũi, chảy mũi hay bất cứ triệu chứng gì của mũi. Như vậy, giả thiết anh ta bị viêm họng thành vệt dài như thế do dịch chảy xuống không hợp lý.
Truy tìm thông tin từ tiền sử, anh này nhớ lại: tôi cảm thấy đau rát họng dữ dội chỉ sau một đêm nằm điều hòa liên tục. Tôi còn nhớ mấy ngày trước tôi còn rất khỏe. Ngay cả mấy ngày đầu của nắng nóng tôi vẫn khỏe như thường. Hôm đó hình như là ngày thứ 3 của đợt nắng nóng, tôi có bật điều hòa sớm hơn mọi ngày và có sử dụng thêm quạt điện cho đã đời. Ngày thường, tôi chỉ quạt phe phẩy. Nhưng hôm đó không hiểu tôi nghĩ thế nào, tôi lại điều khiển quạt chĩa thẳng vào mặt cho mát. Hôm đó tôi ngủ ngon hơn thật. Nhưng tình hình tệ hại hơn tôi mong muốn. Ngay sáng hôm sau, lúc thức dậy, tôi đã nuốt khó khăn. Khó đến mức gần như cứ nuốt nước bọt nhẹ là đau. Đau và rát đến mức không chịu được. Tôi có khậm khạch ngậm mấy thứ cây cỏ vườn nhà theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng ho quá không chịu nổi. Tôi nghĩ có 2 sự kiện liên quan đó là bật điều hòa cỡ mạnh và sử dụng quạt điện tăng cường.
Từ trường hợp bệnh nhân thứ 2 là nam giới trưởng thành, chúng ta cũng thấy chung ở 1 điểm: có sử dụng điều hòa kéo dài. Lần này, chúng ta không thể dựa vào lý do sức miễn dịch kém nên bị bệnh được. Bởi lần trước là bệnh nhi đã đành, người lớn thì đã có sức đề kháng khá tốt. Vậy điều hòa có vẻ là nguyên nhân dính dáng tới nhiều nhất. Và hình như điều hòa là tội đồ của mọi rối loạn sức khỏe đường thở. Nhà sản xuất điều hòa, các tín đồ điều hòa và tất nhiên đa phần người dân sống trong chảo lửa vừa qua không thích và không đồng ý với kết luận này. Các nhà y học vào cuộc.
Số liệu khó chối cãi
Thật ra, nếu chỉ dựa vào những thứ dính dáng, liên quan rồi đổ lỗi đó là nguyên nhân gây ra bệnh thì thật không công bằng, mập mờ và thường mất chính xác. Thế nên, nếu dừng ở đây mà chúng ta đã cố ý đổ cho điều hòa gây ra viêm đường hô hấp thì đúng là cũng tội cho cái điều hòa. Nhằm làm sáng tỏ mọi điều, giới y học đã vào cuộc điều tra thực hư xem đúng hay sai.
Khaliq dẫn dầu một nhóm nhà nghiên cứu Ấn Độ nghiên cứu ảnh hưởng của điều hòa trên bệnh lý đường hô hấp (năm 2006). Nhóm nghiên cứu đăng tải công khai kết quả trên tạp chí khoa học Sinh - Dược Ấn Độ rằng: so với những người không sử dụng điều hòa thường xuyên, những người ngồi trong điều hòa 6 tháng liên tục với tần suất 1 giờ điều hòa/ngày đã bị suy giảm chức năng phổi. Cụ thể, những người sử dụng điều hòa kéo dài bị suy giảm lưu lượng khí thở ra mạnh (và một số chỉ số khác nữa). Lưu lượng khí thở ra mạnh là thể tích dòng khí thở ra được tối đa trong một thời gian nhất định. Nó là một chỉ số phản ánh mức độ thông thoáng của đường thở bởi chỉ cần một tắc nghẽn trên đường thở thì chỉ số này giảm ngay tức khắc. Nhóm các nhà nghiên cứu kết luận: điều hòa có liên quan chặt chẽ tới tình trạng làm viêm tắc nghẽn đường thở có kích thước nhỏ, tương đương với các tiểu phế quản, nơi mà em bé trên bị viêm và dẫn đến viêm phổi.
Sau đấy 7 năm, cũng tại quốc gia Ấn Độ (có vẻ Ấn Độ nghiên cứu nhiều về vấn đề điều hòa), một nhóm các nhà khoa học khác do bác sĩ Hulke khởi xướng. Nhóm các bác sĩ đã điều tra trên 66 người sử dụng điều hòa thường xuyên và 70 người không sử dụng điều hòa. Kết quả cho thấy, mặc dù 2 nghiên cứu được thực hiện ở 2 thời điểm khác nhau, cách nhau tới tận 7 năm nhưng lại có chung một điểm đến: giảm thể tích khí thở ra tối đa (đồng thời có thêm giảm dung tích sống gắng sức). Như vậy, vấn đề đường thở nhỏ đang là tâm điều của điều hòa mùa nóng.
Lý giải những hiện tượng này, các nhà nghiên cứu bổ sung một vài khía cạnh nhỏ: có thể điều hòa làm rối loạn chức năng đường thở nhỏ nên dễ gây ra các bệnh phổi có tính chất tắc nghẽn như viêm phế quản, viêm phổi, COPD bùng phát. Và cơ quan hô hấp dễ bị tổn thương nếu như hàng ngày, hàng giờ, chúng ta để một lượng không khí quá lạnh trao đổi qua phế quản-phổi.
Với những số liệu trên đây, có lẽ, chúng ta cũng cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề. Tránh để những đánh giá mang tính chủ quan và thiếu công bằng.
Cứ cho là kết quả đó đúng, vậy điều hòa gây tổn thương hay là gây viêm, rối loạn bằng cách nào, theo cơ chế nào? Ai cũng có quyền đặt câu hỏi đó, không chỉ là các nhà sản xuất điều hòa mà ngay cả những người dân đang dùng điều hòa như một phương cách chống nóng.
KỲ II: cơ chế gây bệnh và cách sống hòa hợp