Phía sau ánh đèn lung linh, huyền diệu của những chiếc xe mô hình đèn Trung thu là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật, sự kỳ công của những nghệ nhân đã ngày đêm tạo nên các mô hình mang tính truyền thống lịch sử hay những câu chuyện dân gian, truyền thuyết, cho đến các mô hình động vật được trẻ em yêu thích...
Về Thành Tuyên xem nghệ nhân ‘thổi hồn’ vào mô hình đèn Trung thu.
Kiến trúc sư Vũ Hoàng Châu chia sẻ: "Việc làm mô hình đèn Trung thu khổng lồ không chỉ dừng lại là một công việc để kiếm thu nhập, mà nó còn là nét truyền thống không thể thiếu của người dân Tuyên Quang vào mỗi dịp Tết Trung thu. Điều quan trọng để tạo ra mô hình Trung thu đẹp là phải biết cách “thổi hồn” vào nó".
“Khi nhìn vào những chiếc đèn Trung thu phải toát lên sự gần gũi, thân thiện. Ví dụ như những con thú thường sẽ có độ tinh nghịch nên nét vẽ các bộ phận như: tay, chân, mắt, mũi… cần cố gắng làm cho nó giống nhất có thể so với ngoài đời. Đôi khi mình có thể nhấn nhá, cách điệu nhưng cuối cùng quan trọng nhất vẫn là cái hồn cốt...”, Kiến trúc sư Vũ Hoàng Châu cho biết thêm.
Mô hình ngựa được người dân tổ 3 - phường Nông Tiến, Thành phố Tuyên quang vận chuyển ra phố.
Ông Hà Tiến Công (xóm 5, Trung Môn, Thành phố Tuyên Quang) là một người có thâm niên gắn bó với nghề làm mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho hay: "Mỗi mô hình đèn Trung thu của người nghệ nhân tạo ra không chỉ là sự tỉ mỉ, khéo tay mà còn mang trong đó cảm hứng nghệ thuật và sự sáng tạo của một người nghệ sĩ. Năm nào cũng vậy, tôi vẫn trực tiếp cùng gia đình làm các mô hình đèn Trung thu để thỏa mãn sự đam mê, sáng tạo trong mỗi sản phẩm”.
Chị Đặng Thu Hường (tổ 6, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang) tâm sự: "Trước đây gia đình tôi chủ yếu làm đèn ông sao và các con vật, để tạo những sản phẩm này phải rất đam mê nghệ thuật, hiểu biết một chút về hội họa. Vài năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định chuyển sang làm mô hình đèn Trung thu cho phường Minh Xuân. Nhận thấy những mô hình của gia đình có nhiều nét đặc sắc, dần dần các tổ dân phố khác trên địa bàn tự tìm đến đặt. Đến nay một số tỉnh lân cận cũng đến đặt hàng".
Những nghệ nhân miệt mài bên mô hình đèn Trung thu.
Theo chị Đặng Thu Hường, đến thời điểm này gia đình chị đã nhận đặt làm khoảng 20 mô hình đèn Trung thu cho các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. “Khâu quan trọng nhất làm nên một mô hình là người thợ phải lên ý tưởng để làm sao mô hình từ hình ảnh trên giấy ra ngoài đời thực phải thật sống động, rực rỡ, thu hút được sự yêu thích của trẻ nhỏ và cả người lớn”, chị Hường nói.
Để hoàn thiện mô hình đèn Trung thu, người thợ phải có sự hiểu biết về mỹ thuật để phối màu sao cho hài hòa, tạo tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm.
Được biết, Lễ hội Thành Tuyên ban đầu chỉ là một hoạt động tự phát của người dân từ Trung thu năm 2004 tại Thành phố Tuyên Quang. Đến nay, sau 20 năm, việc làm các mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho trẻ em để biểu diễu trên đường phố đã được lan tỏa ở khắp các xóm, thôn, tổ dân phố của Thành phố Tuyên Quang đến các huyện trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; Lễ hội có “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; Lễ hội có “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”.
Trên đất Tuyên Quang, vẫn còn nhiều nghệ nhân làm mô hình đèn Trung thu tài ba đang từng ngày âm thầm gìn giữ nét văn hóa truyền thống này và truyền nghề cho các thế hệ tương lai để lưu giữ mãi mãi về sau.
Mời độc giả xem thêm: