Trăm năm sắc anh đào ở Washington

25-02-2013 10:50 | Quốc tế
google news

Từng là kẻ thù và vẫn tồn tại bất đồng nhưng Mỹ và Nhật Bản hơn nửa thế kỷ qua là đồng minh khắng khít như sắc anh đào hằng năm nở thắm Washington.

Từng là kẻ thù và vẫn tồn tại bất đồng nhưng Mỹ và Nhật Bản hơn nửa thế kỷ qua là đồng minh khắng khít như sắc anh đào hằng năm nở thắm Washington.

Cứ vào dịp này mỗi năm, các công ty du lịch trên khắp thế giới lại ra sức quảng bá tour du lịch khám phá lễ hội Hoa anh đào tại thủ đô Washington của Mỹ. Hồi năm 1912, những gốc hoa anh đào đầu tiên được Nhật Bản đem đến tặng và trồng tại Washington để khẳng định tình hữu nghị giữa 2 bên. Sau đó, trong Thế chiến 2, Washington và Tokyo trở thành kẻ thù không đội trời chung. Đến thời hậu chiến, hai nước lại một lần nữa trở thành đồng minh thân thiết của nhau cho tới nay dù vẫn tồn tại không ít bất đồng. Điều đó khiến cho quan hệ Mỹ - Nhật luôn là một câu chuyện phức tạp. Tất cả được thể hiện khá rõ trong báo cáo do Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) phát hành vào ngày 15.2, ngay trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Mỹ. 
Trăm năm sắc anh đào ở Washington 1Hoa anh đào hằng năm vẫn nở rộ ở Washington - Ảnh: Dcjourney.com .
Bất đồng

Như đã nói, cho đến nay, giữa hai nước này vẫn tồn tại không ít bất đồng. Theo báo cáo trên, Thủ tướng Abe năm 2007 từng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu lực và muốn sửa lại “Tuyên bố Kono” hồi năm 1993. Vào thời điểm năm 1993, tuyên bố trên chính thức cáo lỗi và thừa nhận trách nhiệm của Tokyo đối với những phụ nữ bị cho là đã trở thành nô lệ tình dục cho quân đội Đế quốc Nhật thời Thế chiến 2. Cũng trong năm 2007, Hạ viện Mỹ lên tiếng yêu cầu Nhật Bản phải nhận thức rõ ràng và chịu trách nhiệm lịch sử đối với vấn đề nô lệ tình dục trên. Vì thế, nếu trong giai đoạn trở lại làm thủ tướng lần thứ 2, ông Abe tiếp tục bày tỏ nghi ngờ và muốn sửa “Tuyên bố Kono” thì có thể dẫn đến mâu thuẫn với Mỹ.

Không chỉ trong vấn đề lịch sử, Washington và Tokyo còn ẩn chứa những bất đồng về quan hệ kinh tế, thương mại. Tháng 1.2013, Nhật Bản chính thức nới lỏng lệnh cấm nhập thịt bò từ Mỹ, vốn được ban hành từ tháng 12.2003. Tuy nhiên, Tokyo chỉ cho phép nhập khẩu thịt của những con bò từ 30 tháng tuổi trở xuống, kèm theo những quy định kiểm soát khá gắt gao. Trong khi đó, Washington từ sớm muốn Tokyo dỡ bỏ hoàn toàn quy định trên nhưng vẫn chưa được. Đây là một trong những thách thức về thương mại mà 2 bên cần sớm vượt qua.

Bên cạnh đó, Washington và Tokyo vẫn chưa hoàn thiện thỏa thuận giải quyết những tranh cãi liên quan đến các sắc thuế chống phá giá. Ngoài ra, 2 bên còn vướng mắc cả về hợp tác quốc phòng, cụ thể là tranh cãi liên quan đến việc tái bố trí căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa, Nhật Bản. Hồi năm 2006, Washington và Tokyo từng đạt thỏa thuận đối với vấn đề này. Thế nhưng, sau khi ông Yukio Hatoyama trở thành Thủ tướng Nhật vào năm 2009, Tokyo đã quyết định thay đổi thỏa thuận trên. Từ đó, việc tái phối trí căn cứ Futenma trở thành “hòn đá tảng” ngăn cản quan hệ 2 bên. Đến tháng 4.2012, Washington và Tokyo tạm đạt được một thỏa thuận với nhau về việc này thì một số nghị sĩ Mỹ lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích, đòi thay đổi.

Và hữu hảo

Tuy nhiên, dù còn nhiều vướng mắc như thế nhưng quan hệ song phương giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn rất khắng khít, đặc biệt là hợp tác quốc phòng. Vào năm 1951, hai bên đạt được một thỏa thuận an ninh và thỏa thuận này được tăng cường tính ràng buộc. Theo đó, Tokyo đồng ý cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên đất Nhật. Đến nay, tổng cộng hơn 40.000 binh sĩ và nhân viên của quân đội Mỹ đang đồn trú trên xứ sở hoa anh đào, nơi có hàng chục căn cứ của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Tokyo còn chi ra một khoản không nhỏ để hỗ trợ cho việc đồn trú này của Washington. Theo một thỏa thuận có hiệu lực trong 5 năm kể từ năm 2011, Nhật Bản hằng năm phải tốn một khoản ngân sách 188 tỉ yen (tương đương 2,2 tỉ USD) cho hỗ trợ trên. Đó là chưa kể đến việc Nhật Bản còn phải gánh cả khoản tiền trả lương cho hàng ngàn người nước này làm việc tại các căn cứ của Mỹ.

Đổi lại, Mỹ phải cam kết bảo vệ Nhật Bản trong các trường hợp bị tấn công. Suốt nhiều năm qua, Washington từng hỗ trợ khá nhiều cho Tokyo về công nghệ quốc phòng. Bằng chứng là những dòng chiến đấu cơ quan trọng nhất của Nhật Bản đều được phát triển dựa theo những kiểu dáng cùng loại của Mỹ. Điển hình như dòng F-2 được phát triển từ F-16. Mới đây, đất nước cờ hoa không chỉ đồng ý bán mà còn chuyển nhượng một phần bản quyền của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 cho xứ sở hoa anh đào. Nhật Bản cũng là một trong số ít các nước được Mỹ cung cấp những lá chắn hỏa tiễn tối tân như hệ thống Patriot trên đất liền hay hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trang bị cho tàu chiến.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động, Washington không ngừng tăng cường thắt chặt quan hệ quốc phòng với Tokyo. Từ năm ngoái đến nay, Mỹ đã triển khai thêm các thiết bị do thám tối đa như radar X-band cho Nhật Bản. Lầu Năm Góc cũng đã điều động các máy bay trực thăng hiện đại MV-22 Osprey tới các căn cứ tại Nhật. Số máy bay này được đưa đến giữa lúc Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc đang tranh chấp, cũng nằm trong hiệp ước liên minh giữa Washington với Tokyo.

Báo cáo của CRS cũng nhấn mạnh về vấn đề này ngay trong phần mở đầu. Theo đó, Mỹ có thể phải trực tiếp tham chiến trong trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc xung đột vì quần đảo trên. Cụ thể hơn, theo CRS, theo điều thứ 5 trong hiệp ước quốc phòng với Nhật, Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ đối tác và trường hợp Senkaku/Điếu Ngư bị tấn công thì hiệp ước có hiệu lực. Vì thế, Washington có nhiều lý do để quan ngại khi Bắc Kinh gia tăng hoạt động gần quần đảo này.

Nhật - Mỹ góp phần ổn định cho biển Đông

Sáng 23.2 (theo giờ Việt Nam), website của Nhà Trắng đã đăng tải nội dung họp báo chung của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi 2 ông gặp gỡ nhau. Hai lãnh đạo khẳng định sẽ tăng cường hợp tác song phương để phù hợp với bối cảnh an ninh lẫn những thách thức hiện tại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp báo, giới phóng viên đặt ra câu hỏi rằng Tổng thống Obama cùng Thủ tướng Abe đã thảo luận về các hành động và biện pháp nào đối với vấn đề Triều Tiên, những hành động của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư, bối cảnh an ninh khu vực đang xấu đi. Mặc dù nội dung câu hỏi này không trực tiếp đề cập đến vấn đề biển Đông nhưng ông Abe vẫn đưa vào phần trả lời.

Ông nói: “Quan ngại về biển Đông cũng như quần đảo Senkaku, chúng tôi đồng ý rằng liên minh Nhật - Mỹ đóng vai trò ổn định góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau về những vấn đề như vậy cũng như các vấn đề khác trong khu vực mà 2 bên phải đối mặt”.

Theo Thanh Niên Online

Ý kiến của bạn