Trầm lắng kịch hình thể

27-04-2018 16:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Du nhập Việt Nam gần 2 thập kỷ, nhiều vở kịch hình thể đã đến với khán giả nhưng đa số tác phẩm chỉ dừng lại ở việc minh họa hình thể diễn viên, chưa để lại nhiều ấn tượng và chưa mang lại giá trị mà bộ môn nghệ thuật này hướng tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kịch hình thể Việt trầm lắng vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Khác với các loại hình sân khấu kịch nói, cải lương, chèo, tuồng... thường lấy lời thoại là chủ yếu, kịch hình thể lại đẩy lời thoại xuống hàng thứ yếu, thay bằng lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu. Điểm quan trọng của kịch hình thể là sự mở rộng khả năng cảm nhận của khán giả. Đó là một nền kịch nghệ dốc lòng cho việc sáng tạo một ngôn ngữ sân khấu mới, một văn phạm thị giác được “viết” ra theo những mã số nhận thức tinh nhạy. Để phá được những mã số đó, người xem cần bước vào cái thế giới đầy cảm giác và tinh tế mà kịch hình thể đang cống hiến trước mắt họ.

Kịch hình thể nước ta thời gian qua khá trầm lắng do thiếu nguồn nhân lực, kinh phí dàn dựng tác phẩm còn hạn chế.

Kịch hình thể nước ta thời gian qua khá trầm lắng do thiếu nguồn nhân lực, kinh phí dàn dựng tác phẩm còn hạn chế.

Trên thực tế, một số vở kịch hình thể được người xem và giới nghệ sĩ làm nghề đón nhận, tuy nhiên, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay và không được đánh giá cao. Tại Việt Nam những năm qua cũng như hiện tại, Nhà hát Tuổi trẻ được xem là đơn vị tiên phong và cũng là duy nhất ở Việt Nam xây dựng, phát triển kịch hình thể. Những năm 90 của thế kỷ trước, với vở diễn đầu tiên Giấc mơ hạnh phúc do NSND Lê Hùng dàn dựng, NSND Lan Hương độc diễn đã rất thành công. Vở diễn đã giành được giải thưởng lớn ở Liên hoan Sân khấu Quốc tế diễn ra tại Trung Quốc. Sự khởi đầu thành công đã mở ra con đường mới để kịch hình thể có chỗ đứng trong đời sống sân khấu Việt Nam. Tiếp đó, nhiều vở kịch hình thể khác như Nhật nguyệt thực, Tiếng vọng hành tinh, Con bệnh bí hiểm, 100 phút cuối của Hàn Mạc Tử, Vườn thiên đàng, Biến vĩ của tình yêu, Chuyện từ một ngã tư, Tâm linh Việt... đã đến với công chúng nước nhà.

Thời gian qua, vở kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều được phóng tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đến với khán giả và được đánh giá là vở diễn có nhiều tìm tòi, thể nghiệm táo bạo. Tuy nhiên, ở vở kịch hình thể này, nhiều ý kiến của giới chuyên môn và khán giả cho rằng còn không ít hạt sạn như xử lý chi tiết nàng Kiều sau quá trình long đong lận đận thì trở thành Phật hay những động tác múa còn thừa..

Kịch hình thể Việt vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, thử thách và cả yếu kém. NSND Lan Hương - người dám nghĩ, dám làm và luôn tận tâm thực hiện các vở kịch hình thể ở nước ta chia sẻ, các vở diễn kịch hình thể thường không bán được vé và điều này đồng nghĩa rất ít người xem. Một phần vì kịch hình thể còn mới lạ, truyền tải ý tưởng, thông điệp nghệ thuật qua những điệu múa, cử chỉ... của nghệ sĩ nên càng kén khán giả. Bên cạnh đó, hầu hết các vở kịch hình thể do các đơn vị, nhà hát dàn dựng đều lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa, phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước rất khiêm tốn nên không nhiều nghệ sĩ đủ kinh phí để dựng vở một cách chỉn chu nhất. Thậm chí, nhiều vở kịch hình thể được dựng từ kinh phí do phía quốc tế tài trợ. Trong khi đó, hạn chế của kịch hình thể Việt là còn... nhiều lời.

Ngoài ra, giới làm nghề cho biết, trong các trường đào tạo về sân khấu - điện ảnh chưa có đơn vị nào có phương pháp dạy bài bản về kịch hình thể, các nghệ sĩ diễn viên bộ môn nghệ thuật sân khấu này đều phải tự biên, tự diễn và tự học, sau đó truyền kinh nghiệm cho nhau. Cộng gộp các khó khăn trên khiến kịch hình thể khó phát triển


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn