Trầm hương trị viêm phế quản, đầy trướng bụng

SKĐS - Trầm hương còn có tên kỳ nam, trầm gió. Trầm hương là phần gỗ chứa nhựa thơm của cây trầm hương (Aquilaria agallocha Roxb.) hay (Aquilaria crassna Pierre.), Bạch mộc hương (Aquilaria sinensis (Lour) Gilg.), thuộc họ trầm (Thymelacaceae).

Trên thị trường, trầm hương có 3 loại: Loại I: màu gỗ đen bóng, thả xuống nước là chìm ngay, thường dùng làm hương liệu (kỳ hương); Loại II: màu gỗ xanh sẫm loang lổ, thả xuống nước nửa nổi nửa chìm, dùng làm thuốc (trầm hương); Loại III: màu gỗ trắng đục, nổi trên mặt nước, dùng làm hương đốt (nhang).

Trầm hương có chứa hợp chất nhóm sesquiterpen, tinh dầu (acid baimuxifuranic, sinenofuranal, sinenofuranol), acid béo… Theo Đông y, trầm hương vị cay đắng, tính ôn; vào các kinh: tỳ, vị và thận. Có tác dụng ôn trung, tráng nguyên dương, noãn thận, giáng khí, giảm đau. Trị tiêu chảy, chống nôn, nam giới tinh lạnh, thận hư, khí nghịch, suyễn cấp. Liều dùng: 1 - 4g. Nên dùng dạng thuốc hoàn hay thuốc bột.

Một số bài thuốc có trầm hương:

Giáng khí, dịu hen: Khi khí nghịch suyễn cấp, nôn ợ đưa ngược lên.

Bài 1: trầm hương 2g, hạt củ cải 12g, chỉ xác 8g, mộc hương 4g. Sắc uống. Trị các chứng thực bụng trướng, khí suyễn.

Bài 2: Thang trầm hương: trầm hương 2g, phụ tử 12g, gừng sống 8g. Sắc uống. Trị suyễn hư hàn.

Bài 3: Bột trầm bách: trầm hương 2g, lá trắc bách 4g. Nghiền chung thành bột mịn. Uống khi gần đi ngủ. Trị hen phế quản.

Bài 4: trầm hương, tía tô, bạch đậu khấu liều lượng bằng nhau. Nghiền chung thành bột. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc thị đế. Trị dạ dày lạnh, nôn đưa hơi ngược lên.

Bài 5: trầm hương, đinh hương, nhục quế mỗi loại 10g; bạch đậu khấu 8g, hoàng liên 8g. Tán bột. Ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 1g bột, uống với nước ấm. Chữa nôn, đau bụng, đau dạ dày.

Ấm bụng giảm đau: Dùng khi hàn ngưng khí trệ, đau ngực bụng.

Bài 1: Bột trầm hương: trầm hương 2g, cam thảo 8g, sa nhân 4g, hương phụ 8g. Sắc uống.

Bài 2: Thang trầm hương tứ ma: trầm hương 4g, ô dược 8g, mộc hương 6g, cau 12g. Sắc uống.

Bài 3: Trầm hương ôn tỳ thang: trầm hương, bào phụ tử, sa nhân, chích thảo, mộc hương, quan quế, bào khương, bạch truật, đinh hương, nhân sâm, bạch đậu khấu liều lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần dùng 9g bột, thêm 5 lát gừng tươi, 1 quả đại táo. Sắc bỏ bã, uống ấm, lúc đói. Tác dụng ôn dương khu hàn, kiện tỳ lý khí. Trị tỳ vị hư lạnh, đau vùng thượng vị, nôn, bụng sườn căng tức hoặc tiêu chảy nôn mửa.

Kiêng kỵ: Người khí hư hãm ở phần dưới và âm hư hoả vượng, phụ nữ có thai không được dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn