Hà Nội

Trạm dừng nghỉ đầu tư tiền tỷ cho ai nghỉ?

14-06-2010 14:10 | Thời sự
google news

Ba trạm dừng nghỉ đường bộ thuộc Quy hoạch tổng thể hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ tại Việt Nam do JICA Nhật Bản tài trợ phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam xây dựng

Ba trạm dừng nghỉ đường bộ thuộc Quy hoạch tổng thể hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ tại Việt Nam do JICA Nhật Bản tài trợ phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam xây dựng thí điểm tại 3 nơi: Song Khê (Bắc Giang), Mường Khiến (Hoà Bình) và Ninh Bình . Ba trạm này được đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 1 năm nhằm mục đích bảo đảm ATGT, hạn chế tình trạng “cơm tù”, “cơm ép” gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, thế nhưng kỳ vọng thì nhiều mà thực tế lại phũ phàng.

Trạm đẹp - xe thưa!

Có mặt tại trạm nghỉ Song Khê ở km 120, Quốc lộ 1A, xã Song Khê thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, không khí lèo tèo vắng vẻ là đặc trưng nhất ở đây. Trạm nghỉ này thực hiện đúng các công năng theo tiêu chuẩn như cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh cho lái xe và hành khách, cung cấp thông tin về du lịch giao thông của khu vực, giới thiệu các sản phẩm địa phương... thế nhưng nhiều tiếng đồng hồ đứng ở đây chúng tôi chỉ thấy có vài xe tư nhân ghé lại. Một hành khách ở Thái Bình đi lễ chùa ở Đồng Đăng dừng lại đây thay vì mục đích nghỉ ngơi thì hiếu kỳ là chính “ở đây đất rộng, có cái nhà nghỉ to đẹp mà hoành tráng, rẽ vào xem có cái gì...!”.

 Trạm nghỉ Hòa Bình khang trang như thế này nhưng luôn ở trong tình trạng đìu hiu.

Vào gian trưng bày các sản phẩm của địa phương chúng tôi thấy có khá đày đủ các đặc sản quê hương Bắc Giang như mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân, mật ong Lục Ngạn, mùa vải có thêm cả vải thiều... thế nhưng do ít khách quá nên các sản phẩm cũng chỉ trưng bày ở mức khiêm tốn, còn các cô nhân viên bán hàng cũng tranh thủ chợp mắt lúc buổi trưa.

Được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trạm dừng nghỉ Mường Khiến tọa lạc tại km 101, QL6 huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình với tổng số vốn đầu tư là gần 10 tỷ đồng cũng trong tình trạng khách đến thì ít mà khách bỏ qua thì nhiều. Khuôn viên bãi đỗ xe chật hẹp, lối ra vào chỉ có một đường 2 làn nên các xe khách lớn, xe tải ra vào rất bất tiện, thậm chí không đủ chỗ quay đầu. Theo báo cáo tại trạm nghỉ Mường Khiến lưu lượng bình quân chỉ có 13 xe/ngày đêm với khoảng 100 lượt khách tạt vào nghỉ. Còn trạm nghỉ Ninh Bình do XN Bến xe khách Ninh Bình quản lý và khai thác, có vị trí thuận lợi là nằm trên quốc lộ 1A, lưu lượng phương tiện qua lại lớn, phù hợp với cung chặng nghỉ ngơi của các xe Bắc-Nam, lẽ ra với vị trí đắc địa ấy thì phải là nơi “đếm không hết xe, phục vụ mãi không hết người, nhưng trên thực tế lưu lượng bình quân chỉ có khoảng 20 xe/ngày với hơn 300 lượt khách mỗi ngày ghé thăm và doanh thu hàng tháng chỉ đạt 5 triệu. Để duy trì trạm và đảm bảo cuộc sống cho 13 con người, hàng tháng xí nghiệp còn phải bù lỗ thêm 40 triệu đồng.

Đâu là giải pháp?

Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ là rất cần thiết, tuy nhiên  xây dựng ở đâu như thế nào cho phù hợp để thu hút được lái xe cũng như hành khách là vấn đề cần phải bàn. Nhiều ý kiến, đặc biệt là lái xe vẫn cho rằng từ đầu mối giao thông Hà Nội (HN) đi các hướng giao thông khác, khoảng 50km chưa có nhu cầu nghỉ ngơi, mà 3 trạm dừng nghỉ trên cách HN trong tầm từ 50 – 100km. Mặt khác các trạm dừng nghỉ tuy được xây dựng khang trang nhưng một số hạng mục lại không phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, một số phòng chức năng còn chưa thuận tiện, nơi nghỉ cho lái xe còn chật chội bí bách, thiếu nhiều hạng mục công trình phụ trợ...

Theo ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng:  Trong thời gian tới đây  Tổng cục sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể hoạt động của trạm nghỉ, bến xe, sẽ sớm ban hành các tiêu chuẩn của trạm, đồng thời tiến hành công bố hệ thống trạm dừng nghỉ trên toàn quốc. Đặc biệt sẽ kết nối trạm dừng nghỉ với các công ty vận tải, có biện pháp cưỡng chế  lái xe các tuyến giao thông trên 1000km phải vào trạm dừng nghỉ do nhà nước công bố.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng


Ý kiến của bạn