Theo BS. Đỗ Thành Tuấn, Giám đốc bệnh viện quận 4, trong năm 2016, Khoa cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận khoảng từ 80-100 lượt bệnh, trong đó có những trường hợp cứu chữa không kịp thời do đến trễ, ngưng tim, ngưng thở… Bên cạnh đó, quận 4 là một quận nội thành, có đường xá giao thông thuận tiện, nhưng cũng có hệ thống đường hẻm nhỏ hẹp, chằng chịt cũng là một trở ngại trong việc tiếp cận hiện trường khi cấp cứu người bệnh. Do đó, việc triển khai hoạt động Trạm cấp cứu vệ tinh tại bệnh viện là một nhu cầu cần thiết để tận dụng thời gian vàng tiếp cận hiện trường sơ cứu, cấp cứu kịp thời những trường hợp nguy kịch.
Để sẵn sàng cho hoạt động Trạm cấp cứu vệ tinh, bệnh viện tổ chức đội ngũ êkíp y bác sĩ trực cấp cứu 24/24 giờ, xe cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu hiện đại và sẵn sàng xuất xe tiếp cận hiện trường xử lý sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong vòng 3-5 phút.
Đến dự và phát biểu ghi nhận những nỗ lực chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện trên địa bàn quận 4; PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM mong muốn bệnh viện quận 4 tiếp tục quan tâm xây dựng quy trình Báo động đỏ nội viện để kết hợp với quy trình Báo động đỏ liên viện trong cấp cứu những trường hợp nguy kịch khi vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện. Thời gian qua, hơn 30 trường hợp nguy kịch được cứu sống ngoạn mục từ quy trình Báo động đỏ liên viện như một bé 5 tuổi bị té từ tầng 3 xuống đất, bị cọc nhọn đâm xuyên thủng tim, phổi; từ hệ thống mạng cấp cứu vệ tinh 115 của bệnh viện Xuyên Á đã cấp cứu, cứu sống một trường hợp bị tai nạn giao thông đứa lìa chi; cứu sống một công nhân bị tai nạn lao động đa chấn thương nhập viện ở bệnh viện quận 2….
Đồng thời, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng đề nghị bệnh viện đầu tư hơn nữa hoạt động chăm sóc điều trị và nghiên cứu đầu tư trang bị xe cấp cứu môtô (có trang bị dụng cụ y tế cấp cứu đầy đủ) để thuận tiện tiếp cận hiện trường cấp cứu khi có cuộc gọi yêu cầu phù hợp với đặc thù địa bàn của quận - có nhiều đường hẻm nhỏ hẹp, khó khăn trong việc sơ cứu, cấp cứu.
Đồng quan điểm với PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Chủ tịch UBND Quận 4 ông Trần Hoàng Quân cũng đề nghị bệnh viện nên tham mưu cho quận trang bị xe cấp cứu mô tô phù hợp với điều kiện hoạt động cấp cứu trên địa bàn quận. Được biết, hiện quận đang đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở hạ tầng của bệnh viện quận 4 với quy mô diện tích xây dựng 400m2, cao 5 tầng và tổng kinh phí xây dựng là 30 tỷ đồng.
Kể từ khi chính thức thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm cấp cứu 115 thành phố và “phủ sóng” những Trạm cấp cứu vệ tinh ở các quận huyện nội thành, ngoại thành, các cụm cửa ngõ thành phố từ hệ thống công lập đến hệ thống ngoài công lập; đến nay hệ thống mạng cấp cứu vệ tinh 115 với 20 trạm cấp cứu đã cứu sống hàng ngàn trường hợp “thập tử nhất sinh” do tai nạn, bệnh tật. Mạng lưới có sự tham gia của 2 bệnh viện tuyến thành phố (BV. Đa khoa Sài Gòn, BV. Đa khoa khu vực Củ Chi), 14 bệnh viện quận huyện (Quận 2, Quận 4, Quận 7, Quận 9, Quận 11, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè) và 4 bệnh viện ngoài công lập (BV. Đa khoa Xuyên Á, BV. quốc tế Phúc An Khang, BV. Triều An, BV Sài Gòn ITO). Đến cuối năm 2016, Sở Y tế tiếp tục triển khai hoạt động Trạm cấp cứu vệ tinh ở BV quận Tân Bình và BV Đa khoa Tâm Trí.
Riêng phát triển Trạm cấp cứu vệ tinh 115 ở khu vực địa bàn quận 8, bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp đã đầu tư chỉnh trang Khoa cấp cứu, đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cấp cứu ngoại viện hòa cùng mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố và đang đăng ký với Sở Y tế thành lập Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại bệnh viện (dự kiến ra mắt trong tháng 12/2016 này).