Theo các nhà khoa học, số người dân bị mắc bệnh trầm cảm trong cộng đồng chiếm tỉ lệ từ 3 - 5% và nguy cơ mắc bệnh này trong cuộc đời của mỗi con người cũng chiếm khoảng từ 15 - 25%.
Thực trạng và nguyên nhân trầm cảm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1,5 triệu người chết do hành vi tự sát và trung bình mỗi ngày có đến 3.000 người tự kết liễu mạng sống của mình. Các nhà khoa học ước tính cứ 20 người tự sát thất bại thì có 1 người tự tử thành công. Trên thực tế số người có ý tưởng và hành vi tự sát thường cao gấp 20 lần so với số người chết do tự sát. Các nước có tỉ lệ người tự sát cao nhất thuộc khu vực Trung Đông, châu Âu và châu Á; trong đó có khoảng 75% trường hợp xảy ra ở các nước nghèo và 25% trường xảy ra ở các nước giàu được ghi nhận từ số liệu thu thập thông tin ở 172 quốc gia trên thế giới. Đứng trước thực trạng đáng lo ngại này nên ngày 10 tháng 9 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới phòng chống tự tử để triển khai các hoạt động thúc đẩy sự cam kết và thực hiện hành động trên toàn thế giới nhằm phòng chống hành vi tự sát.
Tại nước ta, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng ước tính mỗi năm cũng có khoảng hàng ngàn người có ý tưởng và hành vi tự sát xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau. Mặc dù con số này thấp hơn so với một số nước thuộc khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng đây là một thực trạng xã hội đáng báo động.
Nguyên nhân dẫn đến tự sát khi được điều tra ghi nhận phần lớn có liên quan đến trạng thái trầm cảm của người bệnh mắc phải trước đó và có thể gặp ở đủ mọi lứa tuổi.
Thực tế cho thấy ý tưởng và hành vi tự sát xuất phát từ nhiều nguyên nhân và lối sống tiêu cực khác nhau gây nên trạng thái trầm cảm như: đối diện với cái chết của người thân; sau ly hôn, ly thân hoặc sau mối quan hệ tình cảm bị tan vỡ; mất quyền nuôi con hay tiếp nhận quyết định về quyền nuôi con không hợp lý; bị tổn thất nghiêm trọng sau khi mất việc làm, mất nhà ở hoặc mất tài sản, tiền, vàng bạc, đá quý; mắc phải chứng bệnh nan y hay phát hiện bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối; gặp một tai nạn thương tích nghiêm trọng; đau đớn về thể xác kéo dài hay gặp nỗi đau về tinh thần khá mãnh liệt; mất hết niềm tin và hy vọng đối với cuộc sống; bị bạo lực gia đình, hiếp dâm, ức chế, tấn công… Lưu ý rằng tất cả những nguyên nhân này có khả năng dẫn đến trạng thái trầm cảm; nếu không được phát hiện, xử trí điều trị kịp thời và phù hợp sẽ có nguy cơ dẫn đến hành vi tự sát.
Đặc điểm trạng thái trầm cảm
Trầm cảm là trạng thái bệnh lý về rối loạn cảm xúc được biểu hiện bằng hình thái giảm khí sắc, buồn rầu, ủ dột, giảm sự thích thú, thường xuyên mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, giảm sự tập trung chú ý; có những cảm nghĩ không bình thường như hay sám hối, bi quan, mặc cảm, tự ti...; kèm theo đó là một số triệu chứng của cơ thể thực vật. Đây là một trạng thái bệnh lý gây ra nhiều tổn thất cho cả cá nhân, gia đình, xã hội và cũng chính là nguyên nhân chủ yếu chiếm khoảng 2/3 các trường hợp dẫn đến hành vi tự sát. Đồng thời bệnh lý trầm cảm còn là nguyên nhân của các tai nạn thương tích ở nơi lao động, làm việc và ngay cả trên đường phố. Vì vậy, đây là vấn đề bệnh lý cần được sự quan tâm, chăm sóc của tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội. Trạng thái trầm cảm thường xảy ra và kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp.
Biểu hiện bệnh lý trầm cảm
Người bị mắc bệnh trầm cảm thường có các biểu hiện như: có cảm giác buồn rầu, ủ rũ hoặc bực bội, khó chịu; mất đi sự hứng thú, không còn quan tâm đến mọi vấn đề từ sinh hoạt, học tập cho đến công việc, nghỉ ngơi, giải trí; luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải, giảm thiểu sức lực; khó tập trung chú ý, tập trung tư tưởng vào mọi hoạt động từ việc xem sách báo, truyền hình đến việc nghe những người khác nói chuyện hay kể chuyện; thiếu tự tin, giảm sút tính tự trọng; có ý nghĩ chán nản, buông xuôi; ít chăm sóc và quan tâm đến bản thân hoặc gia đình; có cảm giác tất cả sức nặng của cả thế giới đang đè nặng lên bản thân mình; tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội vì luôn cảm thấy bản thân mình có tội lỗi; nhìn vào tương lai thấy đen tối, u ám, ảm đạm, không có lối thoát và không bằng lòng, chấp nhận cuộc sống hiện tại; có ý nghĩ và hành vi muốn tự sát hoặc tự gây thương tích cho bản thân; bị rối loạn giấc ngủ với dấu hiệu khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc có hiện tượng ngủ nhiều; ăn uống ít hoặc ăn uống không ngon miệng, có khi lại ăn uống quá nhiều.
Các tình trạng bệnh lý nêu trên thường kéo dài ít nhất khoảng 2 tuần. Khi phát hiện người thân có 5 trong 10 biểu hiện bệnh lý ở trên cần đưa ngay đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán nhằm có biện pháp xử trí điều trị phù hợp; không được chủ quan, chậm trễ về vấn đề này. Thực tế tùy theo mức độ nặng hay nhẹ mà người bị trầm cảm có biểu hiện nhiều hay ít các triệu chứng bệnh lý đã được mô tả. Trường hợp người bị trầm cảm nặng thường có triệu chứng sút cân với mức độ giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 4 tuần, ít ngủ, thức giấc sớm kèm theo trạng thái hoang tưởng và ảo giác, suy giảm ham muốn tình dục.
Điều trị bệnh trầm cảm
Các nhà khoa học đã xác định trầm cảm là một trạng thái bệnh lý cần được điều trị. Người bị trầm cảm cần phải được phát hiện kịp thời và nhanh chóng điều trị phù hợp vì trạng thái bệnh lý này có thể dẫn đến những tổn thất hết sức nặng nề, có khả năng làm người bệnh bị suy kiệt trầm trọng, thậm chí có cả hành vi tự sát trong một số trường hợp. Đồng thời tác động ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống không những đối với người bệnh mà còn ngay cả đối với gia đình và cộng đồng xã hội.
Cần lưu ý rằng việc phát hiện và điều trị sớm, tư vấn chuyên môn kịp thời và phù hợp là nguyên tắc cơ bản, quan trọng không thể chủ quan, bỏ qua vì có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Biện pháp điều trị sớm bằng các loại thuốc chống trầm cảm phải thực hiện đủ thời gian yêu cầu cần thiết, không được dùng quá ngắn hoặc bỏ điều trị nửa chừng vì sẽ không có tác dụng hiệu quả. Thực tế người bệnh sau khi có những dấu hiệu thuyên giảm ban đầu, bắt buộc phải tiếp tục điều trị thêm bằng các loại thuốc chống trầm cảm trong thời gian từ 3 - 6 tháng để phòng ngừa tránh nguy cơ tái phát. Thuốc chống trầm cảm phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định y lệnh, tư vấn và hướng dẫn một cách cụ thể; không nên tự ý dùng thuốc hay sử dụng thuốc theo sự mách bảo kinh nghiệm của người khác. Bệnh nhân trầm cảm được xem là điều trị khỏi khi người bệnh hồi phục tình trạng sức khỏe trở lại bình thường; ăn ngủ, sinh hoạt và giao tiếp với mọi người ở chung quanh tốt, không còn biểu hiện các dấu hiệu bệnh lý.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH