Hà Nội

Trầm cảm sau sinh, đây là cách sử dụng thuốc an toàn

23-09-2021 14:23 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong thời kỳ chu sinh, người mẹ có nguy cơ cao khởi phát hoặc trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tâm thần. Liệu các bà mẹ sau sinh có thể sử dụng thuốc điều trị trầm cảm không, khi họ đang nuôi con bú?

Trầm cảm sau sinh - Phòng bệnh hơn chữa bệnhTrầm cảm sau sinh - Phòng bệnh hơn chữa bệnh

SKĐS - Sau sinh nở, người phụ nữ có rất nhiều thay đổi, những thay đổi này đôi khi làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh nguy hiểm thế nào?

Các tình trạng sức khỏe tâm thần có thể gặp phải trong giai đoạn chu sinh (giai đoạn tính từ tuần thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau sinh) bao gồm rối loạn trầm cảm và lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ăn uống và (hiếm gặp hơn) rối loạn tâm thần. Các yếu tố nguy cơ chính phát triển rối loạn trầm cảm và lo âu trong thời kỳ chu sinh bao gồm tiền sử bệnh tâm thần, thiếu hụt mạng lưới y tế hỗ trợ và những biến cố đã trải qua trong cuộc sống.

photo-1632375885532

Trong thời kỳ chu sinh người mẹ có nguy cơ cao khởi phát hoặc trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, trong thời kỳ hậu sản, một vài tác nhân khác có thể góp phần làm khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm thần. Bao gồm giảm chất lượng và thời lượng giấc ngủ, biến động nội tiết tố sau sinh và các yếu tố di truyền.

Phương pháp điều trị bằng thuốc

Các khuyến cáo cho biết, đối với những phụ nữ đang cho con bú có các triệu chứng tâm thần nhẹ nên tiến hành các liệu pháp có nguy cơ thấp như can thiệp tâm lý. Tuy nhiên, với những trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần được can thiệp điều trị bằng thuốc và chuyển sang nuôi con bằng sữa công thức. Song, tất nhiên với bất kỳ quyết định lâm sàng nào, bác sĩ cũng nên cân nhắc kỹ giữa rủi ro và lợi ích của việc tiếp tục hoặc bắt đầu dùng thuốc so với việc ngừng hay tránh dùng thuốc trong thời gian cho con bú.

Thuốc trầm cảm ưu tiên lựa chọn đối với phụ nữ cho con bú là sertraline và paroxetine vì lượng thuốc bài tiết qua sữa mẹ và hấp thu vào trẻ sơ sinh thấp nhất trong số các thuốc chống trầm cảm hiện nay, được xem là an toàn cho trẻ bú mẹ.

Sertraline

Sertraline có tỷ lệ liên kết protein cao (98%) nên nhìn chung nó sẽ vào cơ thể trẻ đang bú mẹ một lượng rất ít. Thuốc có khả năng dung nạp tốt, ít tác dụng phụ và chưa ghi nhận bằng chứng nào về tác hại gây ra trên trẻ bú mẹ. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc là đầy bụng, khô miệng, chóng mặt nhẹ ở tuần đầu sử dụng thuốc. Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng nửa liều ở tuần đầu tiên, uống buổi tối sau bữa ăn, sau đó tăng liều dần để bệnh nhân dễ dung nạp với thuốc hơn.

Paroxetine

Không khuyến cáo dùng paroxetine trong thai kỳ do làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi (cụ thể là khuyết tật ở tim) nếu dùng trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, vì thuốc đã được chứng minh là chỉ truyền vào sữa mẹ ở nồng độ thấp, nó có thể được chấp nhận hơn để sử dụng trong thời kỳ cho con bú. Những tác dụng ngoại ý ở trẻ bú mẹ tiếp xúc với paroxetine qua sữa mẹ là rất hiếm và khá nhẹ nhàng. Bao gồm: bồn chồn, táo bón, mất ngủ, tỉnh táo, kích động và bú kém.

Cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để có hướng tiếp cận tối ưu trong việc chăm sóc cho bệnh nhân đang cho con bú, giúp ngăn ngừa các kết quả bất lợi ở cả mẹ và con.

Những lưu ý khi dùng thuốc

photo-1632375887628

Sử dụng thuốc an thần ở phụ nữ trầm cảm sau sinh cần có chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc đi qua đường sữa mẹ

Thuốc xâm nhập vào sữa mẹ chủ yếu bằng cách khuếch tán thụ động qua biểu mô tuyến vú, lớp tế bào hoạt động như một hàng rào lipid bán thấm. Tốc độ truyền của thuốc từ huyết tương vào sữa mẹ được xác định bằng khả năng hòa tan trong lipid của thuốc và trọng lượng phân tử thuốc. Các phân tử có trọng lượng càng nhỏ thì tốc độ đi qua sữa mẹ càng lớn. Nhìn chung, thuốc an thần thường là những thuốc thân lipid, do đó chúng có thể hòa tan trong màng tế bào biểu mô tuyến vú và dễ dàng đi vào sữa mẹ hơn.

Sự liên kết với protein cũng có tác động đến khả năng đi vào sữa mẹ của thuốc, trong đó, các loại thuốc liên kết với protein cao ít có khả năng thâm nhập vào ngăn sữa. Bên cạnh đó, độ pH của thuốc cũng ảnh hưởng đến con đường xâm nhập vào sữa. Theo lý thuyết phân ly pH, các dạng ion hóa của bazơ yếu tập trung trong sữa, trong khi các axit yếu bị giữ lại ở huyết tương.

Tóm lại, những đặc tính lý tưởng để thuốc đi vào sữa mẹ là thuốc không bị ion hóa, trọng lượng phân tử thấp, có tính ưa béo cao, khả năng liên kết với protein thấp và pKa cao.

Tác động của thuốc chống trầm cảm lên quá trình sản xuất sữa

Một yếu tố quan trọng cần xem xét liên quan đến việc sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú là tác động lên quá trình sản xuất sữa. Đối với những thuốc chống trầm cảm có đặc tính serotonergic, sự gia tăng nồng độ serotonin gây ra sự xâm nhập sớm đến các tuyến vú, do đó làm giảm sản xuất sữa.

 Ngoài ra, các báo cáo sau khi đưa ra thị trường về các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) đã xác định các tác dụng không mong muốn liên quan đến "phụ thuộc dopamine" có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa, chẳng hạn như hội chứng đa tiết sữa galactorrhea, phì đại tuyến vú hay tăng prolactin máu.

Hiện tại, vẫn còn nhiều điều chưa rõ liên quan đến việc một số thuốc cụ thể đi qua đường sữa mẹ và các tác dụng phụ đối với trẻ sơ sinh. Do đó, khi xác định mức độ an toàn của bất kỳ loại thuốc nào đối với phụ nữ đang cho con bú, cần lưu ý ở cả 2 đối tượng: Người mẹ và trẻ sơ sinh. 

Cần thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của người mẹ, các loại thuốc hiện đang dùng, chỉ định, liều lượng, thời gian điều trị dự kiến và cả tình trạng của trẻ, bao gồm: Cân nặng, tình trạng sinh non/đủ tháng và tỷ lệ phần trăm sữa mẹ trong chế độ ăn uống của trẻ.

Cho đến nay, vẫn chưa có sự chắc chắn trong cách thức quản lý thuốc dành cho những bệnh nhân tâm thần đang cho con bú, cũng như những lo ngại về việc thuốc qua sữa mẹ tiếp xúc với trẻ sơ sinh hay tác động của thuốc đối với quá trình sản xuất sữa. Chính vì vậy, cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để có hướng tiếp cận tối ưu trong việc chăm sóc cho bệnh nhân đang cho con bú, giúp ngăn ngừa các kết quả bất lợi ở cả mẹ và con.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội

DS. Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn