Hà Nội

Trầm cảm sau sinh cần được quan tâm đúng mức

06-06-2018 06:24 | Đời sống
google news

SKĐS - Trầm cảm là thuật ngữ y học nói về một tình trạng bất thường về tâm lý và hoạt động tâm thần không bình thường ở người mắc chứng bệnh này.

Trầm cảm là căn bệnh thuộc nhóm bệnh tâm thần có tỷ lệ từ 2-5% dân số tùy từng nước. Một số phụ nữ sau khi sinh đẻ cũng có thể mắc chứng trầm cảm một thời gian nhưng sau đó thường trở lại tâm tính bình thường như trước.

Những chị em bị trầm cảm sau khi sinh thường là những người thai nghén và đẻ con không đúng với điều bản thân và gia đình mình hoặc gia đình chồng mong muốn và chờ đợi. Cũng có khi do cuộc sinh đẻ khó khăn, chăm sóc của gia đình và của cán bộ y tế thiếu chu đáo hoặc trong lúc sinh đẻ, gia đình gặp chuyện không may... làm cho sau khi sinh, người phụ nữ không được thoải mái phải luôn lo lắng, suy nghĩ đến những điều buồn bực, khó chịu ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của bà mẹ sau khi sinh.

Phụ nữ mang thai cần được chuẩn bị tốt về tâm lý để tránh những rắc rối sau sinh.

Phụ nữ mang thai cần được chuẩn bị tốt về tâm lý để tránh những rắc rối sau sinh.

Biểu hiện của trầm cảm

Thường buồn rầu, ủ rũ, cảm thấy cuộc sống không còn hứng thú, nhìn về tương lai thấy tối tăm, ảm đạm.

Suy nghĩ trước đây bình thường thì nay trở nên chậm chạp, thường cảm thấy khó khăn, giảm sút lòng tự tin. Mọi hoạt động về thể chất cũng như tinh thần trước đây bình thường nay trở nên thất thường, thiếu tự tin, ít nói, ít hoạt động hơn; có khi trong suy nghĩ tự cho mình là người hèn kém, thiếu tự tin và nặng hơn nữa có thể bị hoang tưởng. Người bệnh thường ít muốn tiếp xúc với bạn bè và ngay cả người thân; thường ngồi lâu một chỗ ở một tư thế không thay đổi.

Ngoài ra người bệnh còn chán ăn, mất ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi.

Các dạng trầm cảm

Rối loạn trầm cảm có rất nhiều dạng khác nhau và thường gặp hơn cả là các loại trầm cảm nội sinh thể hiện ban đầu từ vài tuần đến vài tháng với các triệu chứng mất ngủ, giảm khí sắc, lo lắng đến sức khỏe và tương lai. Sau thời kỳ này là giai đoạn toàn phát với 3 triệu chứng đặc trưng là: ức chế cảm xúc, ức chế tư duy và ức chế vận động. Cụ thể là:

Ức chế cảm xúc: Người bệnh luôn cảm thấy buồn chán vô cớ, rất khó giải khuây. Cơ thể cảm thấy nôn nao, ngột ngạt, có khi thấy đau hết chỗ này đến chỗ khác. Người bệnh có cảm giác đầu trống rỗng, tri giác sai lệch; nét mặt thường xuyên ủ rũ, kém linh hoạt, già xọm; thường hay cau mày, nhăn trán, nhìn đăm đăm vào một cõi xa xăm nào đó.

Ức chế tư duy: Suy nghĩ của người bệnh thường đơn điệu, nghèo nàn, khó kết hợp các ý để lĩnh hội một vấn đề khi trao đổi với người khác. Người bệnh thường trở nên ít nói, nếu bị gặng hỏi thì trả lời thì thào, tiếng một và kèm theo các ý nghĩ tự ty hoặc hoang tưởng.

Ức chế vận động: Người bệnh có thể ngồi im hàng giờ, cúi đầu, khom lưng hoặc nằm co, trùm chăn ở một góc giường. Mọi hoạt động cơ thể trở nên chậm chạp, đơn điệu. Cùng với ức chế vận động thường kèm theo trí nhớ giảm sút nhưng lại thường nhớ đến các điều khó chịu khiến người bệnh giảm sút ý chí, mất nghị lực và dễ bị hoang tưởng.

Cơn trầm cảm có đặc điểm biểu hiện nặng về buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối. Nếu được điều trị, các rối loạn sẽ rút ngắn thời gian, người bệnh ăn ngủ tốt lên, hoạt động dần trở lại bình thường, hồi phục và thường không làm biến đổi nhân cách và không gây sa sút tinh thần.

Gặp trường hợp bà mẹ sau sinh có biểu hiện trầm cảm, người thân trong gia đình không nên bối rối, lo lắng quá mức mà nên có thái độ ứng xử nhẹ nhàng, phù hợp với người bệnh và nên sớm đưa người bệnh đến khám tại các chuyên khoa tâm lý - thần kinh.


BS. Phó Đức Nhuận
Ý kiến của bạn