Trầm cảm sau nhồi máu cơ tim

02-05-2016 08:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trầm cảm khá thường gặp sau nhồi máu cơ tim. Khoảng 15-20% bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim được chẩn đoán trầm cảm tại Mỹ.

Trầm cảm khá thường gặp sau nhồi máu cơ tim. Khoảng 15-20% bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim được chẩn đoán trầm cảm tại Mỹ. Tại Việt Nam, chúng ta gần như bỏ qua vấn đề này. Nhiều bệnh nhân không có hiểu biết hoặc bỏ qua tình trạng trầm cảm của mình. Những hiểu biết kém về trầm cảm làm cho nhiều bệnh nhân nghĩ trầm cảm là một bệnh lý tâm thần khiến bệnh nhân phải đến khám như bị “ bệnh điên” càng làm cho trầm cảm trở nên trầm trọng.

Trầm cảm làm bệnh tim trở nên nặng hơn

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim có trầm cảm thường có tiên lượng xấu do một số nguyên nhân sau đây:

Trầm cảm thường làm cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim quên nhiều việc, nhất là quên uống thuốc. Việc quên uống thuốc có thể làm cho những người đã đặt stent dễ bị tắc lại stent, những bệnh nhân sau nhồi máu không uống thuốc có thể dễ dàng bị các biến chứng do không uống thuốc như suy tim, rối loạn nhịp tim. Quên thuốc có thể làm những bệnh nhân này hay bị huyết áp tăng cao và dễ gây ra tai biến mạch não. Quên thuốc cũng làm mảng xơ vữa tiến triển nhanh hơn.

Trầm cảm làm tăng nồng độ các hormon gây căng thẳng, tăng mức đường máu và nồng độ lipid máu, tăng hình thành các cục máu đông khiến bệnh tim trở nên nặng hơn.

Những người trầm cảm thường hay hút thuốc, hút thuốc lá ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường mang lại những tác hại nặng nề cho mạch máu của bệnh nhân.

Những người trầm cảm cũng ít hoạt động thể lực. Trong khi chúng ta biết hoạt động thể lực và tập luyện sau nhồi máu cơ tim giúp ích nhiều cho trái tim của những người bị nhồi máu cơ tim.

Trầm cảm cũng làm tăng nồng độ các hormon gây căng thẳng, tăng mức đường máu và nồng độ lipid máu, tăng hình thành các cục máu đông. Đây là những yếu tố hoàn toàn không tốt cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Không những vậy, trầm cảm còn làm tăng nguy cơ của nhồi máu cơ tim lần tới. Thói quen xấu ít đến khám bệnh ở các bác sĩ tâm lý của người Việt làm cho bệnh lý này hay bị bỏ qua và ít được quan tâm.

Những biểu hiện nào mà bạn nên nghĩ mình đã bị trầm cảm?

Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm thường được dựa trên tiêu chuẩn của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ với tiêu chuẩn DSM-IV như sau: tâm trạng buồn rầu; giảm quan tâm và thích thú với hầu hết các hoạt động hàng ngày; lo lắng không rõ lý do và chậm chạp nhiều; mất cân rõ ràng hoặc thay đổi về khẩu vị; mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều, hoặc thay đổi thói quen giấc ngủ; cảm giác như không còn niềm vui và vô giá trị; mệt mỏi nhiều; giảm khả năng suy nghĩ và tập trung; nghĩ nhiều đến chết hoặc có ý tưởng tự tử.

Tuy nhiên, chẩn đoán trầm cảm phải được thầy thuốc tâm thần xác định. Nếu bạn có một trong các triệu chứng kể trên, bạn nên tìm đến các bác sĩ tâm thần để tư vấn.

Ðiều trị thế nào?

Tin mừng cho tất cả chúng ta là trầm cảm không phải là bệnh lý quá khó điều trị. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các thuốc chống trầm cảm có thể điều trị có hiệu quả bệnh trầm cảm. Các thuốc ức chế lựa chọn trên serotonin như sertraline hydrochloride (biệt dược seline 100, zotral 50, serta 100), citalopram (biệt dược celexa) là những thuốc chống trầm cảm thấy có hiệu quả giảm trầm cảm mà lại an toàn cho bệnh nhân có bệnh mạch vành. Điều trị thay đổi hành vi với các biện pháp tâm lý có thể có hiệu quả điều trị trầm cảm. Hướng dẫn bệnh nhân để đánh giá cảm xúc và suy nghĩ là cách tốt để làm giảm trầm cảm.

Dù rằng hiện nay các nghiên cứu lâm sàng không chứng minh được việc điều trị thuốc chống trầm cảm có làm giảm được tử vong hay tình trạng bệnh của bệnh mạch vành hay không. Tuy nhiên, việc điều trị chống trầm cảm sẽ làm cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân này.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sau khi nhồi máu, bạn nên đánh giá mức độ trầm cảm của bạn qua các bác sĩ tâm lý. Nếu không, các biện pháp hoạt động như các hoạt động thể thao kiểu aerobic có thể làm giảm trầm cảm. Nó có thể giúp bạn có cái nhìn tích cực và thái độ lạc quan về bệnh lý của bạn. Một số điều lưu ý có thể giúp bạn làm giảm trầm cảm như:

Đừng cho rằng trầm cảm sau khi bị nhồi máu cơ tim là điều gì lớn. Nó hay gặp như chúng ta gặp phải một khó khăn căng thẳng trong cuộc sống.

Đừng cho rằng đến khám bác sĩ tâm thần là xấu và là điều gì lớn. Chúng ta phải biết rằng trầm cảm là có thể điều trị được. Điều trị có thể làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, thậm chí điều trị có thể giúp bạn sống lâu hơn.

Đừng giấu tình trạng trầm cảm của bạn. Hãy chia sẻ nó với bạn bè và người thân trong gia đình. Có như vậy, trầm cảm sẽ giảm bớt.

Đừng quên uống thuốc đều đặn, chế độ ăn và tập luyện sau nhồi máu sẽ giúp nhiều cho bạn.


TS.BS. Phạm Như Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch học can thiệp)
Ý kiến của bạn