Hà Nội

Trầm cảm ở phụ nữ có thai và cho con bú: Chọn thuốc nào?

28-08-2019 17:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trầm cảm là một rối loạn tâm thần rất phổ biến. Có một tỉ lệ rất lớn bệnh nhân trầm cảm thường khởi phát ở tuổi thanh niên, vì thế, nhiều phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ sẽ bị bệnh này.

Hơn nữa, trầm cảm thường nặng lên hoặc tái phát khi phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con. Vấn đề đặt ra là có nên điều trị bằng thuốc chống trầm cảm cho các nữ bệnh nhân này không và nếu điều trị thì nên dùng thuốc gì để giảm thiểu tối đa nguy cơ có hại cho bệnh nhân và em bé.

Tỉ lệ trầm cảm trong cả đời người là 15-25%. Phụ nữ có tỉ lệ trầm cảm cao gấp 2-3 lần nam giới. Như vậy, chúng ta sẽ có 2 tình huống sau: Phụ nữ bị bệnh trầm cảm trước đó, giờ bệnh tái phát vào giai đoạn mang thai và cho con bú. Phụ nữ bị trầm cảm lần đầu khi mang thai, sau khi sinh con và giai đoạn cho con bú.

Các biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ mang thai và cho con bú cũng giống như của trầm cảm thông thường, bao gồm 9 triệu chứng sau: khí sắc giảm; mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động; giảm sút năng lượng; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân; mất ngủ, nhưng cũng có thể bệnh nhân ngủ quá nhiều; rối loạn hoạt động tâm thần vận động; cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định; ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát.Tư vấn cho phụ nữ dùng thuốc sau sinh (ảnh minh họa).

Tư vấn cho phụ nữ dùng thuốc sau sinh (ảnh minh họa).

Vì sao phải điều trị?

Bệnh trầm cảm khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi, bi quan, chán nản, mất ngủ, chán ăn…, vì thế, họ cần được điều trị để phục hồi sức khỏe và sức lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, việc mang thai là một gánh nặng cho người bình thường huống hồ là bệnh nhân trầm cảm. Do đó, nếu không được điều trị, có lẽ họ không thể mang thai và sinh nở bình thường được, em bé vì thế sẽ có nhiều nguy cơ xấu hơn. Điều trị rối loạn trầm cảm ở các bệnh nhân này khiến họ có thể ngủ ngon, ăn uống tốt hơn, giảm cảm giác mệt mỏi, đỡ bi quan, đỡ chán nản…; họ sẽ chăm sóc sức khỏe bản thân và chăm sóc thai nhi, chăm sóc em bé tốt hơn. Như vậy, việc điều trị trầm cảm mang lại lợi ích không thể chối cãi cho cả mẹ và bé cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Điều trị bằng thuốc gì?

Khi lựa chọn thuốc chống trầm cảm cho những nữ bệnh nhân này, chúng ta phải chọn các thuốc có thật ít (hoặc không có) ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và em bé. Thuốc thỏa mãn các yêu cầu trên hiện đã có khá nhiều. Các thử nghiệm lâm sàng trên nhóm lớn thực hiện ở Mỹ và châu Âu đã chứng minh một số thuốc chống trầm cảm SSRI là an toàn cho cả mẹ và em bé trong thời kì mang thai và cho con bú. Lựa chọn đầu tiên là fluoxetin, thuốc này chỉ cần dùng với liều duy nhất, uống buổi sáng là đủ chữa được trầm cảm. Một nghiên cứu tiến hành trên 4.000 phụ nữ có thai và cho con bú ở Mỹ cho thấy tỉ lệ bất thường ở con của các phụ nữ này giống như ở những người phụ nữ khỏe mạnh, mang thai và không dùng thuốc fluoxetin.

Bên cạnh đó, sertralin cũng là một thuốc được coi là an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. Liều dùng dao động từ 50 - 100mg/ngày là đủ.

Các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới khác như paroxetin, citalopram, mirtazapin cũng được coi là an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, các bệnh nhân này cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ tâm thần, nên dùng liều thấp nhất có thể để tránh các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.

Và phòng ngừa

Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, do những lo lắng thái quá cho đứa trẻ tương lai và mới sinh khiến người phụ nữ trong giai đoạn này rất dễ bị mắc chứng bệnh trầm cảm. Vì vậy, phụ nữ mang thai và cho con bú rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Sự giúp đỡ, sẻ chia của họ không những vơi đi gánh nặng về thể chất cho chị em trong giai đoạn đặc biệt này mà còn là chỗ dựa tinh thần, tâm lý vô cùng quý giá giúp chị em vượt qua được những khó chịu, đau đớn, thay đổi, khó khăn, thử thách trong giai đoạn này. Ngoài sự trợ giúp của những người thân, chị em cũng cần có những kiến thức để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và em bé trong các giai đoạn “thử lửa” này.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn