Trầm cảm làm phát sinh và trầm trọng bệnh tim mạch, phòng ngừa cách nào?

SKĐS - Mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, lo nghĩ, buồn chán, mất hứng thú với cuộc sống, thậm chí còn có ý định tự sát... là những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm nguy hiểm.

Các nhà khoa học cho rằng, trầm cảm có một mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tim mạch. Những nguyên nhân thường gặp có thể như thiểu năng tuần hoàn não hoặc do tăng huyết áp là những nguyên nhân được các nhà khoa học quan tâm, chú trọng.

1. Bệnh trầm cảm là mối đe dọa lớn đối với tim mạch

Trong xã hội hiện đại, bệnh trầm cảm gần như là phổ biến, cùng gia tăng với sự phát triển của xã hội. Giáo sư Andrew Tonlin, Giám đốc Hội Tim mạch quốc gia Australia cho biết, chứng trầm cảm ảnh hưởng xấu đến hàm lượng hormone và hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, chúng ta cần chú ý đến cả hai mặt của sức khỏe: Tâm thần và thể chất.

Một nghiên cứu của Hội Tim mạch quốc gia Australia cho thấy, sự cô đơn, chứng trầm cảm và nỗi đau khổ tinh thần là mối đe dọa lớn đối với tim mạch. Tác hại của chúng cũng tương tự như thói quen hút thuốc lá, bệnh cao huyết áp và mỡ máu.

Nghiên cứu cho thấy, ở những người sống cô đơn và không có sự hậu thuẫn của xã hội, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường. Ở những trường hợp trầm cảm nhẹ, nguy cơ này cũng cao gấp đôi so với người có sức khỏe tâm thần tốt.

photo-1673685484450

Chứng trầm cảm là mối đe dọa lớn đối với tim mạch.

Người ta nhận thấy rằng, ngay ở độ tuổi ấu thơ, thái độ thù địch cũng có thể gây bệnh tim. Sự tức giận, tính cay độc và tính hung hãn của trẻ có thể làm phát sinh những bệnh chuyển hóa như béo phì, huyết áp cao và trạng thái kháng insulin - tiền thân của bệnh đái tháo đường type 2. Các chứng bệnh này nếu kéo dài có nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.

Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của TS. Karen Matthews và đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Pittsburgh (Mỹ). Nghiên cứu này được tiến hành trên 134 trẻ ở khu vực Pitts- burgh. Tất cả trẻ tham gia nghiên cứu đều không có tiền sử bệnh tim, bệnh tâm thần, hay nghiện các chất ma tuý, và thuộc hai nhóm tuổi, từ 8 đến 10, và từ 15 đến 17 tuổi.

Các em được khám lần đầu tiên 3 năm trước khi nghiên cứu bắt đầu và lần thứ hai khi nghiên cứu kết thúc. Đồng thời, các nhà khoa học cũng tiến hành kiểm tra tâm lý để đánh giá mức độ thù địch của từng trẻ. Kết quả cho thấy, ở những trẻ dù khỏe mạnh, nhưng thường xuyên đối phó với những khó khăn bằng lòng hận thù, thì ít nhất có dấu hiệu phát triển 2 trong số 3 chứng bệnh là béo phì, huyết áp cao và kháng insulin.

Cả 3 chứng bệnh này, được gọi chung là hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome), chính là các tác nhân nguy hiểm làm phát triển bệnh tim mạch khi trẻ trưởng thành. Các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con cái cũng như khuyến khích chúng ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa được nguy cơ phát triển bệnh tim trong quá trình trẻ trưởng thành.

2. Phòng ngừa bệnh trầm cảm như thế nào?

Đây là một câu hỏi mà chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trong một quan điểm chính thể về bảo vệ sức khỏe tâm thần, chúng tôi muốn đề cập một số khía cạnh về dự phòng và điều trị căn bệnh này.

Một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm chính là stress, nhất là stress kéo dài làm cho con người mất khả năng thích nghi với hoàn cảnh.

photo-1673685487260

Stress, một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm.

Trước hết, nếu bạn cảm thấy gánh nặng công việc đè nặng lên tâm lý, thể xác thì hãy tìm mọi cách giảm nhẹ gánh nặng đó. Đôi khi, sự ám ảnh công việc đã tạo cho người bệnh một sức mạnh tâm lý mà thông qua đó ảnh hưởng đến thể chất, khí sắc.

Mối quan hệ cá nhân của bạn trong môi trường gia đình, xã hội không thuận lợi... cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Ví như, bạn luôn bị nhắc nhở, khiển trách mặc dù bạn đã có những cố gắng để hoàn thành công việc... Hoặc luôn ám ảnh quan hệ gia đình bạn không suôn sẻ... là những lý do dẫn đến căn bệnh này. Trong những trường hợp trên, đối thoại một cách thẳng thắng, chân tình trên cơ sở hiểu biết, thông cảm lẫn nhau sẽ là lối thoát cho bạn.

Trước màn hình vi tính, công việc đòi hỏi bạn phải gắng sức, bạn lại không tạo được thói quen làm việc khoa học như bố trí xen kẽ thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi... cũng gây cho bạn cảm giác mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.

Một trong những căn bệnh của những người làm việc với máy vi tính là nhức đầu, mờ mắt, thị lực ngày càng giảm, kích thích giác mạc, đau vai gáy... Nếu không biết cách làm giảm nhẹ các dấu hiệu nói trên, lâu dần cũng sẽ gây cho bạn những gánh nặng không chỉ là thể xác mà còn là tinh thần.

Phòng ngừa và điều trị căn bệnh trầm cảm còn là một vấn đề của toàn xã hội. Mọi người cần biết tạo cho mình một phong cách làm việc nghiêm túc nhưng cũng phải luôn nhớ rằng, sự nghỉ ngơi hợp lý và tránh tạo mối hiềm khích trong các mối quan hệ xã hội và gia đình... là một vấn đề quan trọng trong dự phòng và ngăn ngừa trầm cảm, ngăn ngừa đột quỵ do các bệnh tim mạch.

Mời bạn xem thêm video:

6 loại thực phẩm bạn nên ăn để có hàm răng khỏe mạnh - SKĐS

TTUT. BS Quách Tuấn Vinh
Ý kiến của bạn