Hà Nội

Trầm cảm hậu COVID-19 và những điều cần lưu ý

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần

20-03-2022 12:23 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Sau khi nhiễm COVID-19, một tỉ lệ cao bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Trong đó, những triệu chứng của trầm cảm có thể lên đến 50%.

Hậu COVID-19 và những điều có thể bạn chưa biếtHậu COVID-19 và những điều có thể bạn chưa biết

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng được gọi là tình trạng hậu COVID-19,

1. Trầm cảm sau nhiễm COVID-19 là gì?

Sau khi khỏi COVID-19 ba tháng, những triệu chứng đủ để chẩn đoán trầm cảm ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì được gọi là trầm cảm hậu COVID-19.

Những biểu hiện để chẩn đoán trầm cảm bao gồm: Cảm giác buồn chán, bi quan, mất hy vọng vào tương lai, mất tự tin, không tập trung chú ý, mất hết hứng thú vào những hoạt động trước kia mình thích… Khi bạn có 2 trong những biểu hiện trên là bạn có thể mắc trầm cảm.

Nguyên nhân của trầm cảm hậu COVID-19 được cho là: 

Do phản ứng miễn dịch của cơ thể với sự nhiễm virus – phản ứng viêm. Khi mắc COVID-19, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất ra các cytokines, chemokines và những chất khác thúc đẩy phản ứng viêm. Đặc biệt có một loại cytokine là loại được bài tiết ra từ tế bào T helper 2. Nồng độ cytokine càng cao thì mức độ nhiễm COVID-19 càng nặng. Khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với hệ thần kinh.

Phản ứng viêm ở hệ thần kinh, phá vỡ hàng rào máu não. Các tế bào viêm ở ngoại biên xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn sự dẫn truyền thần kinh, rối loạn trục của hệ thống nội tiết dưới đồi, tuyến yên. Tất cả những biến đổi đó là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí là kể cả sau khi hết nhiễm COVID-19.

Những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến trầm cảm trong giai đoạn nhiễm COVID-19 như:

  • Sự cách ly về xã hội, những lo lắng do sợ mình làm lây bệnh sang người khác.
  •  Những yếu tố kỳ thị do liên quan đến COVID-19.
  • Thời gian ở trong bệnh viện trong quá trình điều trị COVID-19 làm cho người bệnh bị cách ly với xã hội bên ngoài, cảm giác cô đơn, không tương tác được với mọi người khác, có nhiều vấn đề gặp phải khi nằm viện như rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn đến trầm cảm.
  •  Nhiều yếu tố tâm lý xã hội khác: Những lo lắng căng thẳng do sự lây lan của dịch bệnh, lo lắng sợ bị bệnh, sự đau khổ do mất người thân, hoặc những vấn đề về tài chính như thất nghiệp, giảm thu nhập, bệnh lý mãn tính mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ bệnh dịch.
photo-1647700599245

Sau khi nhiễm COVID-19, một tỉ lệ cao bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần.

2. Biểu hiện của trầm cảm hậu COVID-19 

Biểu hiện của trầm cảm hậu COVID-19 gồm những biểu hiện sau:

  • Cảm giác buồn chán, mất hy vọng, bơ phờ.
  • Không thấy được khả năng hồi phục sức khỏe của mình.
  • Vô cảm, không có hoặc có rất ít những phản ứng cảm xúc khi thấy người khác bị nhiễm hoặc chết vì COVID-19.
  • Mất hết hứng thú trong công việc hàng ngày.
  • Thu rút các mối quan hệ xã hội, kể cả những mối quan hệ với những người thân yêu của mình.
  •  Dao động, không quyết đoán khi đưa ra kế hoạch trong tương lai.
  • Sợ bị nhiễm COVID-19  hoăc ngược lại, mặc kệ không quan tâm.
  • Biểu hiện hay quên, không có khả năng hoàn thành một công việc hay một nhiệm vụ nào đó.
  • Kém tập trung, hay bị sao nhãng trong công việc.
  •  Rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ, ngủ hay mơ, khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc sớm.
  • Đau đầu, có những triệu chứng của lo âu đi kèm.
  • Tăng sử dụng chất kích thích như rượu, cần sa, amphetamine.
  •  Cảm giác kiệt sức, suy nhược thần kinh.
Trầm cảm là một bệnh có thể điều trị được và việc điều trị thuốc cần phải được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần chỉ định. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.

3.Điều trị trầm cảm hậu COVID-19 thế nào?

3.1.Điều trị không dùng thuốc trầm cảm hậu COVID-19

Khi có biểu hiện trầm cảm hậu COVID-19, nên:

  • Thiết lập một lịch trình công việc mới cho mình: Có thể bắt đầu làm ở nhà, tạo những thói quen hay những thú vui mới, thay vì những thói quen sinh hoạt cũ.
  • Hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong một tuần.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Ngủ đầy đủ.
  • Duy trì các mối quan hệ xã hội.
  • Áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp tương tác cá nhân.

3.2. Điều trị bằng thuốc

Trầm cảm là một bệnh có thể điều trị được và việc điều trị thuốc cần phải được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần chỉ định. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.

Điều trị trầm cảm hậu COVID-19 cần sử dụng thuốc chống trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm có tác dụng điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh, tăng serotonin, noradrenalin là những chất bị giảm đi trong não dẫn đến trầm cảm.

Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm có thể gây ra một số tác dụng phụ khi mới dùng. Song, tác dụng phụ đó sẽ dần dần giảm đi theo thời gian. Vì vậy, chúng ta vẫn phải dùng loại thuốc này để điều trị trầm cảm. Hiệu quả của thuốc sẽ phát huy tác dụng sau hai tuần, tác dụng phụ cũng sẽ giảm dần và không còn nữa.

photo-1647700601364

Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng ví dụ như amitriptyline có thể gặp phải những tác dụng phụ phổ biến sau: Khô miệng, nhìn mờ, táo bón, tăng cân, vã mồ hôi, buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh, hồi hộp, trống ngực... Tuy nhiên, những tác dụng phụ này giảm và mất dần sau hai tuần.

Nhóm thuốc loại SSRIs và SNRIs

Các thuốc nhóm này thường có tác dụng không mong muốn phổ biến như: Cảm thấy dễ kích thích hay lo lắng, cảm giác mệt mỏi, khó tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón, ăn không ngon miệng, chóng mặt, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, đau đầu, giảm nhu cầu tình dục, giảm sự khoái cảm, khó khăn để đạt được sự cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng khi sinh hoạt tình dục... Những tác dụng này sẽ giảm dần, mất đi sau vài tuần sử dụng thuốc.

Lưu ý, một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của nhóm thuốc SSRI hay SNRI là hội chứng serotonin xảy ra khi chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não quá cao với những biểu hiện như lú lẫn, kích thích, co cứng cơ, vã mồ hôi, đi ngoài phân lỏng, run rẩy, rối loạn nhịp tim, co giật, hôn mê… Khi gặp các triệu chứng này cần phải ngừng ngay thuốc và bệnh nhân cần phải nhập viên.

Ngoài ra một số vấn đề có thể gặp phải nhưng hiếm như rối loạn điện giải hay gặp ở người già, ý nghĩ tự sát. Đây cũng là những tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải khám lại bác sĩ ngày khi có những dấu hiệu này.

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn cần phải đến khám bác sĩ khi có những biểu hiện sau:

-Thường xuyên cảm thấy buồn chán và trống rỗng.

- Ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, rối loạn ăn uống ăn nhiều hoặc ăn ít hơn bình thường.

- Có biểu hiện kích động hoặc kích thích.

- Cảm giác mất hết năng lượng. mất hết mọi hứng thú trong cuộc sống, không thể tập trung vào công việc.

- Có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiếp xúc gần F0, vì sao nhiều người vẫn 'miễn nhiễm' với COVID-19?

TS.BS. Trịnh Thi Bích Huyền
Chuyên gia tâm thần học
Ý kiến của bạn