1. Vì sao bị trầm cảm?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra trầm cảm:
- Tiền sử gia đình.
- Những sang chấn tâm lý ở tuổi thơ như bị bạo lực gia đình, bạo lực trường học…
- Do cấu trúc não (nếu thùy trán não kém hoạt động, nguy cơ cao bị bệnh trầm cảm); thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh, suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, dopamine, norepherdrine trong não; thay đổi hormone trong cơ thể (giai đoạn mang thai và sinh con hay gặp trầm cảm sau sinh)...
- Những người kém tự tin, hay tự trách bản thân dễ bị trầm cảm.
- Những sự kiện stress như mất người thân, kinh tế, ly hôn, chia tay người yêu.
- Mùa đông thường dễ gặp trầm cảm hơn.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc trị bệnh, một số tình trạng bệnh mạn tính (ung thư, tăng huyết áp, bệnh lý cơ xương khớp…), uống rượu... cũng dễ dẫn đến trầm cảm.
Phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn nam giới. Những người có vấn đề về giới tính như chuyển giới, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính cũng dễ trầm cảm hơn.
Trầm cảm khiến bệnh nhân cảm thấy buồn chán, trống rỗng…
2. Triệu chứng trầm cảm
Trầm cảm gây ra nhiều triệu chứng rất khác nhau, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc hoặc có thể ảnh hưởng đến những cơ quan khác của cơ thể.
- Thay đổi cảm xúc: Kích thích, lo lắng, bất an, cảm giác buồn chán, trống rỗng, không còn hy vọng gì.
- Hành vi thay đổi: Không còn thấy hứng thú, hào hứng trong những hoạt động trước kia mình vẫn thích, cảm thấy dễ mệt mỏi, có ý nghĩ muốn chết,
- Ảnh hưởng khả năng tình dục, nhận thức: Giảm sự tập trung chú ý, khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ, chậm chạp khi trả lời câu hỏi); mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích.
3. Hậu quả của trầm cảm
Trầm cảm nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày. Người bị trầm cảm dễ bị thất nghiệp, mất công việc; không duy trì được các mối quan hệ, hoạt động xã hội, cô lập về mặt xã hội; sử dụng các chất gây nghiện hoặc rượu; ý tưởng hành vi tự sát.
Những người bị trầm cảm không được điều trị là một gánh nặng cho người thân gia đình và xã hội về mặt chăm sóc và chi phí chữa bệnh.
4. Các thuốc trị trầm cảm
Để điều trị trầm cảm có hiệu quả, trước hết phải gặp đúng bác sĩ chuyên khoa Tâm thần. Khi được điều trị đúng, kịp thời bệnh nhân có thể bình phục được hoàn toàn như bình thường.
Sử dụng thuốc trầm cảm cần đúng chỉ định của thầy thuốc.
Thuốc điều trị giúp cân bằng lại serotonin trong não, làm mất đi các triệu chứng trầm cảm mà sự mất cân bằng này gây ra, gồm có những loại sau đây:
- Thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs): Gồm những thuốc như sertraline, fluoxetine, citalopram, escitalopram, paroxetine, fluvoxamine... Thuốc có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, buồn ngủ hoặc có thể khó ngủ, run tay chân, rối loạn chức năng tình dục, căng thẳng, nóng nảy, nhìn mờ, giảm nhu cầu tình dục, rối loạn cường dương.
- Thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine (SNRIs): Gồm những thuốc như duloxetine, venlafaxine, mirtazapine. Các thuốc này có tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, táo bón, lơ mơ ngủ gà, khô miệng.
- Chống trầm cảm ba vòng (TCAs): Gồm những thuốc như amitriptyline, clomipramine, desipramine.... Bất lợi của các thuốc này là táo bón, khô miệng, mệt mỏi, nhìn mờ, tụt huyết áp, nhịp tim bất thường, co giật, tăng cân…
Ngoài những tác dụng phụ phổ biến như trên, việc dùng thuốc chống trầm cảm loại SSRI có thể làm cho người bệnh có ý nghĩ tự sát, hay gặp nhiều ở trẻ em và thanh niên. Khi gặp tác dụng phụ này cần báo bác sĩ điều trị.
Thuốc chống trầm cảm có thể thể tương tác với các thuốc khác nhau, kể cả thuốc được bác sĩ kê đơn hay thuốc có thể mua không cần kê đơn. Vì vậy, phải báo với bác sĩ khi bạn sử dụng bất kỳ thuốc gì kết hợp.
5. Cảnh báo hội chứng serotonin khi dùng thuốc chống trầm cảm
Khi sử dụng liều thuốc chống trầm cảm SSRI cao hoặc kết hợp nhiều loại thuốc chống trầm cảm, có thể gặp hội chứng serotonin. Hội chứng này xảy ra sau một vài giờ sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc sau khi tăng liều thuốc.
Hội chứng này thường có các biểu hiện thường gặp như lẫn lộn, rối loạn ý thức, kích động hoặc bồn chồn, giãn đồng tử, đau đầu, thay đổi huyết áp, thay đổi nhiệt độ, buồn nôn, nôn, đi ngoài, tim đập nhanh, run chân tay, mất kiểm soát cơ lực, giật cơ, nổi da gà, vã mồ hôi.
Cần phải đi cấp cứu nếu có biểu hiện sốt cao, co giật, nhịp tim không đều, đi ngoài. Hội chứng serotonin có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như co giật, suy thận, khó thở, hôn mê, thậm chí có thể tử vong.
6. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn dừng thuốc chống trầm cảm đột ngột?
Thuốc chống trầm cảm được cho là không gây nghiện nhưng nếu bạn dừng thuốc đột ngột hoặc bạn quên không uống thuốc có thể gây ra những cảm giác khó chịu giống như hội chứng cai thuốc với những biểu hiện như hội chứng cúm: Hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, đau cơ và những biểu hiện như buồn nôn, mệt mỏi, khó chịu trong người, lơ mơ. Vì vậy cần phải giảm thuốc chống trầm cảm một cách từ từ nếu bạn muốn dừng thuốc.
Việc dùng thuốc chống trầm cảm cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không được tự ý đi mua thuốc về dùng hoặc tự điều chỉnh thuốc; không được dùng đơn thuốc của người khác... vì mỗi cơ thể sẽ có phác đồ điều trị, liều lượng thuốc khác nhau.
Bện cạnh việc điều trị bằng thuốc, có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như: Shock điện, kích thích từ xuyên sọ, liệu pháp ánh sáng đối với trầm cảm theo mùa hoặc liệu pháp tâm lý…
7. Có dự phòng trầm cảm được không?
Để tránh mắc trầm cảm, cần có một lối sống tích cực, lành mạnh.
- Tâp luyện thể dục thể thao ít nhất là 30 phút, 3-5 lần một tuần giúp cơ thể làm tăng hormone endorphin, cải thiện cảm xúc của bạn.
- Không sử dụng rượu, các chất gây nghiện: các chất này làm nặng thêm tình trạng lo âu, trầm cảm.
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Chăm sóc bản thân, ngủ đầy đủ, ăn uống lành mạnh, tránh tiếp xúc với những người đem lại cho mình cảm xúc tiêu cực; tham gia vào những hoạt động đem lại hứng thú cho mình.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nơi sự sống mong manh