Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học đa ngành tại Đại học California, tế bào của những người bị rối loạn trầm cảm nặng (MDD) có mức methyl hóa cao hơn ở một số vùng nhất định trong DNA so với tế bào của những người khỏe mạnh không bị MDD.
Methyl hóa là một quá trình mà DNA bị biến đổi về mặt hóa học tại các vị trí cụ thể, dẫn đến những thay đổi trong biểu hiện của các gen cụ thể. Quá trình methyl hóa của một số bộ gen thường thay đổi theo những cách có thể dự đoán được khi con người già đi, nhưng tốc độ của những thay đổi này khác nhau ở mỗi người. Các nhà khoa học nhận thấy, mô hình methyl hóa ở những người bị MDD, tuổi tế bào của họ trung bình cao hơn so với những người khỏe mạnh tương ứng và tuổi thọ bị rút ngắn trung bình khoảng 2 năm.
Trong nghiên cứu, các mẫu máu của những người mắc chứng MDD được phân tích về các kiểu methyl hóa bằng cách sử dụng đồng hồ GrimAge (một thuật toán được thiết kế để dự đoán tuổi thọ còn lại của một người dựa trên các mô hình methyl hóa tế bào). Những người bị MDD cho thấy điểm GrimAge cao hơn đáng kể, cho thấy nguy cơ tử vong tăng lên so với những người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi - trung bình khoảng hai năm trên đồng hồ GrimAge.
Mô hình methyl hóa liên quan đến nguy cơ tử vong vẫn tồn tại ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố lối sống như hút thuốc và BMI. Những kết quả này cung cấp cái nhìn mới về sự gia tăng tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến căn bệnh này, cho thấy rằng có một một cơ chế sinh học làm tăng tốc độ lão hóa tế bào ở một số bệnh nhân MDD.
Kateryna Protsenko, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Điều này thay đổi cách chúng ta hiểu về bệnh trầm cảm, từ một bệnh tâm thần đơn thuần chỉ giới hạn trong các quá trình trong não, thành một bệnh toàn thân. Về cơ bản sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận với bệnh trầm cảm và cách chúng ta nghĩ về nó - như một phần của sức khỏe tổng thể.