Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người. Dự tính đến năm 2020 trầm cảm sẽ là căn bệnh đứng thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc. Nhưng chỉ khoảng 25 % trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Điều đáng lưu ý là có mối liên quan giữa trầm cảm và một số bệnh lý cơ thể.
Trầm cảm và bệnh mạch vành
Trầm cảm đã được tìm thấy là một yếu tố nguy cơ trong các nguyên nhân của bệnh mạch vành. Xơ vữa động mạch, các cơ chế sinh lý bệnh tiềm ẩn của bệnh mạch vành, đã hình thành từ nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch. Vì vậy, xơ vữa động mạch có thể tạo điều kiện cho các triệu chứng trầm cảm hình thành, thậm chí trước khi các triệu chứng lâm sàng bệnh mạch vành xuất hiện. Nghiên cứu các triệu chứng trầm cảm liên quan đến stress do công việc và stress do quan hệ hôn nhân ở phụ nữ có và không có bệnh động mạch vành, kết quả cho thấy ở phụ nữ có stress trong hôn nhân có liên quan với các triệu chứng trầm cảm và phát sinh bệnh mạch vành. Vì vậy, có thể trầm cảm có một vai trò trung gian đối với các stress trong hôn nhân mà kết quả cuối cùng là bệnh mạch vành.
Trầm cảm và suy tim
Trầm cảm là một yếu tố nguy cơ gây bệnh và tử vong ở những bệnh nhân có bệnh tim mạch. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy trầm cảm là một rối loạn quan trọng dẫn đến sự gia tăng các bệnh tim mạch. Trầm cảm là phổ biến ở bệnh nhân bệnh tim mạch; có nhiều bằng chứng cho rằng tỷ lệ trầm cảm cao hơn 20% ở những bệnh nhân bị suy tim so với những người khỏe mạnh. Tỷ lệ trầm cảm trên bệnh nhân suy tim theo nhiều nghiên cứu khoảng từ 35-38%. Số liệu thống kê cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân suy tim gấp 4-5 lần so với cộng đồng. Ở bệnh nhân suy tim, trầm cảm gắn liền với tình trạng sức khỏe kém, tần suất nhập viện cao, tỷ lệ tử vong cao. Trầm cảm thường gặp ở những bệnh nhân trên 60 tuổi và có suy tim nặng. Bên cạnh đó người ta cũng thấy trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở những bệnh nhân suy tim cấy máy phá rung (ICD) so với nhóm bệnh nhân còn lại. Một nghiên cứu quan sát trên những bệnh nhân nhập viện trên 70 tuổi, tỉ lệ tái nhập viện là 67% ở nhóm bệnh nhân suy tim có trầm cảm nhưng chỉ 44% ở nhóm bệnh nhân suy tim không có trầm cảm. Bệnh nhân suy tim kèm trầm cảm tỷ lệ tử vong là 21%, so với 15% ở nhóm suy tim không kèm trầm cảm.
Trầm cảm đang có xu hướng gia tăng nhanh và liên quan tới rất nhiều bệnh lý.
Trầm cảm và rối loạn nhịp tim
Mối quan hệ giữa các yếu tố hành vi và bệnh sinh rối loạn nhịp tim đã được đề cập. Ba tình trạng thường gặp đóng góp cho sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim: sự bất ổn định điện cơ tim, thường do bệnh động mạch vành; biến cố phát sinh cấp tính, thường liên quan đến căng thẳng thần kinh; và trạng thái tâm lý mạn tính, phổ biến và dữ dội, thường bao gồm cả trầm cảm và tuyệt vọng. Hệ thống thần kinh tự động đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim và là cơ sở lý giải sự tác động của căng thẳng thần kinh và trầm cảm lên sự cân bằng thần kinh tự động tim. Ngày càng có các bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có những thay đổi lớn nhất trong việc điều hòa thần kinh tim với giảm trương lực phó giao cảm đi đôi với tăng hoạt động giao cảm có nguy cơ lớn nhất đối với hình thành loạn nhịp thất gây tử vong.
Trầm cảm và tăng huyết áp
Một nghiên cứu phân tích mối liên quan giữa trầm cảm và tăng huyết áp, tiến hành trên 22.367 người tham gia với một theo dõi trung bình thời gian 9,6 năm. Nghiên cứu củng cố rằng trầm cảm có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập của tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra huyết áp và hồ sơ y tế của các đối tượng từ 7 đến 16 năm sau đó, và phát hiện một xu hướng đáng chú ý: Những người mắc hoặc trầm cảm nặng hoặc lo lắng khi bắt đầu cuộc nghiên cứu tăng 2-3 lần mắc bệnh tăng huyết áp so với những người còn lại. Trầm cảm và lo âu thường dẫn đến hút thuốc lá, uống rượu quá mức, tăng cân, rối loạn hành vi làm thúc đẩy tăng huyết áp và bệnh tim.
Trầm cảm và hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ
Nghiên cứu cũng cho thấy có tới 40% phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) gặp phải các triệu chứng trầm cảm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Nội tiết Thần kinh và Tâm thần Psychoneuroendocrinology đã công bố tỷ lệ tự sát tăng gấp 7 lần ở phụ nữ có PCOS so với những phụ nữ không có PCOS.
Có rất nhiều lý do giải thích tại sao phụ nữ bị PCOS có tỷ lệ trầm cảm cao. Thứ nhất, có thể là do sự mất cân bằng liên quan đến hormon giới tính nữ hoặc chất nội tiết insulin. Việc phải đối mặt với nhiều bệnh lý đi kèm và những biến chứng nặng hơn hoặc xấu đi của PCOS như tiền đái tháo đường, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân của trầm cảm. Nồng độ cao hơn của chất nội tiết androgen - là một nội tiết tố nam có thể góp phần làm tăng tỷ lệ rối loạn tâm trạng ở phụ nữ bị PCOS. Phụ nữ mắc PCOS thường phải đối mặt với vô sinh, tăng cân, các triệu chứng da liễu như mụn trứng cá, rụng tóc, tăng trưởng tóc dư thừa; tất cả đều tác động xấu lên sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ mắc PCOS. Vì vậy, có nhiều khía cạnh của PCOS có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và có thể xấu đi theo thời gian, ngay cả khi phụ nữ mắc PCOS đã có những nỗ lực tốt nhất nhằm đạt một lối sống lành mạnh.