Trong cuộc sống không phải mọi việc diễn ra như những gì chúng ta mong muốn, đôi lúc phải đối mặt với rất nhiều áp lực, khó khăn và thỉnh thoảng cuộc sống cũng đem đến cho bạn những chuyện buồn, những mất mát. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu tình trạng này kéo dài có thể bạn đang gặp nguy cơ với bệnh trầm cảm. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến bệnh trầm cảm?
Dấu hiệu bạn đang bị trầm cảm
Cảm giác trống rỗng hay buồn chán dai dẳng: Ai cũng có lúc buồn chán hay cảm thấy trống trải, tuy nhiên nếu hiện tượng này kéo dài mà bạn không thể tìm ra được nguyên nhân thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Thái độ bi quan: Trong cuộc đời không tránh khỏi những phút bi quan, nhưng nếu với một hoàn cảnh rất bình thường mà bạn luôn có cái nhìn bi quan và lúc nào cũng bi quan không cần lí do thì trầm cảm có thể là thủ phạm đứng sau mọi việc.
Lo lắng: Thường là giai đoạn khởi phát của bệnh trầm cảm nếu bạn không có một nguyên do xác đáng mà vẫn luôn có cảm giác lo lắng về hiện tại hay tương lai.
Hay mệt mỏi: Nếu triệu chứng này kèm theo các dấu hiệu nói trên thì đó có thể là dấu hiệu trầm cảm. Người bị trầm cảm hay có cảm giác mệt mỏi và lo lắng không lí do, thường có thể kèm theo mất ngủ kéo dài.
Căng thẳng, nghĩ tới tự vẫn: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh trầm cảm. Người mắc bệnh thường xuyên nghĩ tới việc tự vẫn và thường tự hỏi mình sống để làm gì.
Nếu thấy những dấu hiệu trên xảy ra thường xuyên và kéo dài bạn nên đến tìm bác sĩ, họ sẽ xác định chính xác bệnh của bạn và cho bạn lời khuyên. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời.
Nguyên nhân
Các nhà nghiên cứu quốc tế đã cảnh báo vào khoảng 10-15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm. Bệnh này không loại trừ ai, từ những người trong gia đình có người bệnh đến những gia đình không ai tiền sử tâm thần. Người bình thường cũng có nguy cơ trầm cảm nếu buồn chán và áp lực kéo dài.
Do áp lực trong cuộc sống dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não đối với các bệnh nhân.
Áp lực vì bị bạn bè trấn áp, quan hệ với thầy cô thì chịu áp lực học hành, thi cử. Lớn lên chút nữa thì tình cảm chi phối, yêu đương thất bại…
Nhiều người tưởng rằng ở lứa tuổi trưởng thành, người ta vững vàng hơn, song không phải ai cũng vậy. Nhiều bệnh nhân trung niên bị bệnh do áp lực công việc, quan hệ sếp với nhân viên không tốt. Gia đình khúc mắc, li thân, li dị, sống chung nhưng căng thẳng…
Người lớn tuổi hơn thì bị tang tóc, bệnh tật, buồn bã do về hưu, do sức khỏe sa sút, chăm sóc của con cái với bố mẹ bị chểnh mảng… những áp lực tích lũy lẫn dồn dập là một trong những nguyên nhân chính đưa họ lún sâu vào bệnh trầm cảm.
Làm thế nào để trị bệnh?
Mỗi người bệnh trầm cảm đều có một nguyên nhân khác nhau có thể do chấn động tâm lí trong từng hoàn cảnh. Bởi vậy dựa vào mỗi tình huống mà chúng ta có các cách điều trị khác nhau cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên có những điều chung mà người mắc bệnh trầm cảm nên làm: Cười thật nhiều nụ cười sẽ làm cho bạn thoải mái và vui vẻ hơn, hãy cười mỗi ngày để làm cho cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa và làm tiêu tan những lo lắng; giữ tinh thần luôn thoải mái: hãy làm những gì bạn thích để luôn cảm thấy được thoải mái, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, shopping… bất cứ điều gì bạn muốn; tìm kiếm một cuộc sống bận rộn. Cuộc sống bận rộn sẽ giúp bạn không có thời gian để nghĩ quá nhiều đến những chuyện không vui, bận rộn cũng giúp bạn thấy cuộc sống có nghĩa hơn.
BS. Lê Triệu Anh