Trái tim Việt cách nửa vòng trái đất

17-03-2013 08:13 | Thời sự
google news

Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích biển Đông bằng cái đường 9 đoạn đứt khúc mà thiên hạ gọi là “đường lưỡi bò”. Xét về mặt khoa học và luật pháp quốc tế thì chả ai chấp nhận được cái “lưỡi” tham vô lý, chả kinh độ vĩ độ nào đang liếm vào chủ quyền biển đảo của các nước láng giềng.

Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích biển Đông bằng cái đường 9 đoạn đứt khúc mà thiên hạ gọi là “đường lưỡi bò”. Xét về mặt khoa học và luật pháp quốc tế thì chả ai chấp nhận được cái “lưỡi” tham vô lý, chả kinh độ vĩ độ nào đang liếm vào chủ quyền biển đảo của các nước láng giềng. Có kiện ra tòa án quốc tế như Philippines đang làm thì “lưỡi bò” cũng tự thấy vô lý nên “trốn tòa” và lý do duy nhất họ đưa ra là “thực tế lịch sử”. Và để trả lời cho “thực tế lịch sử” ấy là một thực tế rất hùng hồn rằng chính lịch sử của các vị thông qua bản đồ cũng của chính các vị đã công nhận cương vực của các vị chỉ tới đảo Hải Nam và không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và như nhiều người trong nước, có một người Việt Nam ở bên kia Tây bán cầu đang mải mê tự nguyện làm bài toán chứng minh này. Con người ấy là anh Trần Thắng.

Sự thật và tình yêu đất nước là vũ khí

Tôi biết ông Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ là một người bản lĩnh, cứng rắn, ấy vậy mà được chứng kiến 2 lần ông rơm rớm nước mắt. Lần thứ nhất, ngay tại trụ sở UBND huyện đảo đóng tại Đà Nẵng là khi ông nhận được những lá thư kèm tư liệu chứng tỏ từ thời nhà Nguyễn đã cắt cử con dân nước Việt ra tận quần đảo Hoàng Sa để canh giữ chủ quyền. Trái tim người yêu nước gặp trái tim người yêu nước qua tư liệu nhận được bỗng hóa thành những giọt nước mắt hạnh phúc của tự hào. Giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt hạnh phúc củng cố niềm tin Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhưng giọt nước mắt trào ra lần hai của ông Chủ tịch huyện đảo lại là niềm hạnh phúc bất ngờ khi lịch sử Trung Quốc và các nước trên thế giới khẳng định qua bản đồ cổ rằng Hoàng Sa - Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc! Ấy là lần ông Ngữ tiếp nhận 85 bản đồ quốc tế cùng 5 tập sách, tạp chí được xuất bản tại Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu từ năm 1626 - 1979. Số tư liệu này đi nửa vòng trái đất suốt 3 tháng trời để về đến Đà Nẵng của một con người ông chưa hề biết mặt. Người ấy là anh Trần Thắng hiện đang là Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, công tác tại Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000.

Trái tim Việt cách nửa vòng trái đất  1
Anh Trần Thắng, người đi tìm 85 bản đồ cổ và 3 cuốn atlas quý chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam.         Ảnh: NVCC

Trần Thắng vốn là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành cơ khí. Năm 1991, anh cùng gia đình định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ. Tại đây, anh tiếp tục theo đuổi ngành cơ khí tại Trường ĐH Connecticut. Sau khi tốt nghiệp ĐH Connecticut, Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành quản lý nhà máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Một năm sau, anh đầu quân cho Công ty Pratt & Whitney.

Cái số bản đồ và tư liệu của anh Thắng hiến tặng mà ông Chủ tịch Đặng Công Ngữ nhận được đã ứa nước mắt ấy là tình yêu và trách nhiệm với đất nước, là thái độ tôn trọng sự thật của một người con nước Việt xa quê. Số bản đồ này có thể chia thành hai nhóm chính đó là các bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa, và nhóm bản đồ Việt Nam hoặc bản đồ khu vực châu Á trong đó thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Cùng với những tư liệu khác, Đà Nẵng đã công bố “sự thật lịch sử” do cả Việt Nam và Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới ghi nhận qua bản đồ cổ tại Bảo tàng Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa nhân “Tuần lễ Biển” năm 2013 đúng như nguyện vọng của Trần Thắng là bản đồ sẽ “được quảng bá rộng rãi để người dân và giới nghiên cứu cùng xem”. Nhưng bất ngờ là hơn thế, không chỉ người Việt xem mà bạn bè quốc tế cũng xem, kể cả khách Trung Quốc cũng xem lên tới con số hơn 300 người tính đến nay. Sự thật ấy khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam và Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa không chỉ từ Việt Nam và Trung Quốc công nhận qua bản đồ mà còn được các nước khác công nhận do chính người phương Tây vẽ trong các thế kỷ XVII - XIX được lưu trữ tại các thư viện Zuppa Buchbinderei ở München, Freie ở Berlin và Bayerische Staats ở München (Đức); Gent (Bỉ), của Tu viện Santa Maria al Monte ở Torino (Ý); New York, California, ĐH Havard, ĐH Princeton, ĐH Columbia (Hoa Kỳ) bằng các thứ Tiếng: Anh (19 tư liệu), Đức (15 tư liệu), Pháp (46 tư liệu), Tây Ban Nha (9 tư liệu), Ý (11 tư liệu) và Hà Lan (2 tư liệu)... 

Chứng minh sự thật ở xứ người

Công bằng mà nói, ý tưởng đi tìm bản đồ Trung Quốc do chính Trung Quốc ấn hành không có Hoàng Sa, Trường Sa nảy sinh trong đầu Trần Thắng khi biết tin trong nước giới thiệu tấm bản đồ như thế đầu tiên. Lòng yêu nước như sóng cùng tần số để những trái tim yêu nước gặp nhau dù đang ở đâu trên khắp trái đất này. Trái tim Trần Thắng bắt được “sóng” đã trở thành sự thôi thúc. Công việc bận và mỗi ngày anh chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ để thay cho khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn là việc săn lùng, đào bới khắp các trang mua bán trực tuyến, trang web của các trường đại học, các nhà xuất bản đến những cửa hàng bán sách báo cũ, đồ cổ để tìm bản đồ cổ. Thời buổi thông tin rộng khắp là một thuận lợi nhưng thuận lợi ấy lại tạo ra cả rừng thông tin để tìm chọn thứ thích hợp quả là chẳng đơn giản.

Tìm được thông tin đã vất vả nhưng từ việc nhìn thấy thông tin đến việc tìm đến sự thật, sờ tay vào sự thật cũng không đơn giản. Khi Trần Thắng phát hiện có một tập bản đồ chính thức của Trung Quốc ở New York cách nơi anh ở 6 tiếng đồng hồ xe chạy, Thắng vội vàng xin nghỉ phép. Mà xin nghỉ đột xuất ở nước công nghiệp chẳng dễ nếu như không bị tai nạn, bị ốm nặng hoặc thân nhân đang gặp vấn đề trầm trọng. Nhưng cái gì đến không làm ngay sẽ ân hận! Mà cũng dễ thành ân hận lắm chứ vì biết đâu anh đi tìm sự thật qua bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền đất đai hay biển cả của đất nước mình nhưng liệu cũng có ai cũng đi tìm bản đồ cổ để mua về... phi tang cái cương vực của họ chỉ tới đảo Hải Nam do chính ông cha họ xác nhận! Thế là chú ngựa 4 bánh của anh điều khiển đáng lý phải đến công ty đã vọt ra khỏi Connecticut chạy một mạch  đến nơi có bản đồ đang tồn tại.

Trái tim Việt cách nửa vòng trái đất  2
Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ xúc động trước tư liệu về Hoàng Sa khi nhận được. Ảnh: Lưu Thủy

Chạm được vào “sự thật”, tim Trần Thắng cứ dồn dập như trống trận. Anh như không tin vào mắt mình khi tập bản đồ to như cái bàn, dày đến mấy chục trang được in từ năm 1933, chi tiết đến từng tỉnh, từng khu vực của Trung Quốc mà không có Hoàng Sa, Trường Sa. Lật đi lật lại, từng trang, từng trang thì cực Nam của Trung Quốc vẫn chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam do chính người Trung Quốc vẽ. Và như đứa trẻ, điện thoại trong tay anh nóng lên tin vui bay đến bạn bè thân thiết đang ở nước Mỹ, ở Việt Nam.

Càng tìm càng say và mỗi “sự thật” anh tìm thấy từ các bản đồ xuất bản từ thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX như làm đất nước gần anh hơn, biển đảo quê hương cách nửa vòng trái đất đang vỗ sóng trong chính căn phòng của anh.

Điều gì khiến nhà kỹ thuật Trần Thắng chỉ quen với máy móc bỗng thành nhà sưu tầm nghiệp dư trong lĩnh vực bản đồ cổ? Động lực nào khiến anh vô tình “thêm nghề” dù tốn kém, dù phải vay mượn, dù có lúc cả 3 năm phải rời bỏ nơi làm việc kiếm sống để theo đuổi niềm say mê? Không yêu nước, không khát khao về một chân lý cần được bảo vệ là chủ quyền quốc gia khó có thể làm được những điều này. Có Việt kiều bên ấy cho anh là “hâm” nhưng trái tim họ không có cái mà anh có thì làm sao hiểu nổi anh. Và sự đồng điệu là lòng yêu nước sẽ gặp nhau, hiểu nhau dẫu cách nửa vòng trái đất bởi đất nước khi nằm ở trong tim sẽ cao hơn mọi toan tính cá nhân, làm mất đi những toan tính cá nhân.

Khi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng trong đó có những bản đồ của Trần Thắng sưu tầm, bỏ tiền và vay mượn để mua gửi về nước, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã xúc động ghi cảm tưởng có nhắc đến lời Vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu dám đem một thước, một tấc đất nào của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”... Lời vua dặn từ năm 1473, đã hàng mấy trăm năm, con cháu ngày nay phải cùng nhau giữ gìn bằng được”.

Lưu Thủy

Có một chi tiết có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về Trần Thắng. Anh chính là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh (quê Quảng Ngãi), tác giả của bài thơ “Quê hương” nổi tiếng. Bên cạnh việc hiến tặng đất nước với địa chỉ cụ thể là Đã Nẵng số bản đồ quý hiếm trên, Trần Thắng còn mở một mục trên trang web của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ để giới thiệu những tấm bản đồ này với tuyên ngôn: “Là người Việt Nam, tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ để bảo vệ đất nước của chúng ta. Tôi muốn chia sẻ với các bạn về bộ sưu tập những bản đồ của tôi trong thời gian 1626 - 1980 đã được công bố tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Scotland, Ấn Độ, trong đó 70 bản đồ chỉ ra rằng ranh giới của miền Nam Trung Quốc là Hải Nam, và 10 bản đồ chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.





Ý kiến của bạn