Hà Nội

Trái tim và hạnh phúc gia đình

29-05-2018 17:42 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tình yêu thuở ban đầu thật nồng nàn, nhưng dần dần theo năm tháng, Nh. thấy mệt mỏi, nhiều lúc tim đập dồn dập, khó thở khi làm việc gắng sức hay đi lên cầu thang.

Nh. sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức Nhà nước. Em có vẻ mặt điềm đạm, dáng người mảnh khảnh, tính tình vui vẻ dễ thương. Em không hề biết mình đã mắc bệnh tim tự bao giờ!

Em yêu Kh. từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, anh học trên em một lớp. Và họ đã thành vợ thành chồng sau khi tốt nghiệp đại học. Tình yêu thuở ban đầu thật nồng nàn, nhưng dần dần theo năm tháng, Nh. thấy mệt mỏi, nhiều lúc tim đập dồn dập, khó thở khi làm việc gắng sức hay đi lên cầu thang. Cả hai người đều thầm cảm thấy hạnh phúc của mình dường như đang bị con quái vật nào đó xâm phạm, tìm cách cản trở! Tuy vậy, họ vẫn không dám nói với nhau sự thật ấy, sợ sẽ làm tổn thương nhau…

Thế rồi, vào một ngày đầu Xuân ấm áp, đôi vợ chồng trẻ hân hoan trước tin vui: Nh. sắp được làm mẹ!

Ngày tháng càng trôi qua thì Nh. lại càng cảm thấy nặng nề hơn. Chẳng bao lâu sau, đứa bé bắt đầu biết quẫy đạp. Một lần, Nh. thấy khó thở, môi tím tái, khạc ra đàm bọt hồng, tim đập dồn dập như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, gia đình lập tức đưa cô vào cấp cứu tại khoa tim mạch của bệnh viện.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khẳng định Nh. bị hẹp khít van hai lá tim, có biến chứng phù phổi cấp do máu ứ đọng từ nửa tim trái lên phổi. Cô đang mang thai vào tháng thứ năm, tử cung to sẽ gây sức ép nặng nề trên trái tim đang bị bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ nội khoa tim mạch sau khi cân nhắc đã đưa ra ý kiến: để cứu mẹ thì phải cấp tốc lấy thai ra.

Dù đã được cứu qua cơn phù phổi cấp, Nh. vẫn còn phải điều trị tiếp bệnh tim. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn cùng với sức khỏe suy yếu sau khi chịu đựng thủ thuật phá thai lớn không theo ý muốn, Nh. chỉ có thể được điều trị nội khoa bảo tồn.

Gần hai năm nặng nề trôi qua một cách chậm chạp, Nh. lại có thai được hai tháng. Lần này đôi vợ chồng trẻ quyết tâm đi khám và điều trị. Các bác sĩ nội - ngoại khoa tim mạch đã cân nhắc tỉ mỉ về bệnh tật của Nh. và hoàn cảnh kinh tế của cô. Kết luận cuối cùng là chỉ có mổ tim mới cứu được cô và thai nhi mới có khả năng sống sót. Ca mổ này mang tính nhân đạo, hoàn toàn miễn phí.

Những thầy thuốc đầy lương tâm và nhiệt tình, cùng với tiến bộ của khoa học đã cứu sống Nh. và em bé, cứu cả hạnh phúc gia đình nhỏ bé mà hàng ngàn ngày qua đôi bạn trẻ vẫn nơm nớp lo sợ nó có thể tan vỡ.

Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Hai năm nữa trôi qua, trong một ngày đầu xuân nắng đẹp, tôi tình cờ gặp lại Nh. và Kh. Nh. thay đổi nhiều quá, đến nỗi mới nhìn thoáng qua, tôi không nhận ra cô. Trên tay Kh. là một bé trai chừng một tuổi, dễ thương, đang chăm chú nhìn tôi nhoẻn miệng cười và bập bẹ nhắc lại lời mẹ dạy: “Cháu chào bác ạ”.

Tôi chúc đôi bạn trẻ sức khỏe, hạnh phúc nhân dịp đầu Xuân, và cũng nhận ra ý nghĩa nghề y của mình: Y học không phải chỉ giúp chữa lành bệnh tật mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề tâm lý xã hội phức tạp khác nữa!


GS.TS. NGUYỄN KHÁNH DƯ
Ý kiến của bạn