(SKDS) - Đến giờ, phó giáo sư, tiến sĩ Tạ Phương Hòa cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn còn nhớ rõ đêm ấy. Bừng tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, chị thấy mẹ còn ngồi trước đèn, gục đầu thổn thức, nước mắt nhỏ xuống chiếc khăn tay. Chiếc khăn có thêu hàng chữ “Phượng ơi, tan nát lòng Nguyên!” đã đi theo mẹ bao nhiêu năm tháng, mẹ thêu chiếc khăn đúng vào ngày ba mất trên tay mẹ vì vết thương quá nặng. Đó là ngày 26 Tết năm Quý Tỵ (1953). Ba bị địch phục kích ở Mộ Đức (Quảng Ngãi), mẹ là y tá đại đội, đã không thể cứu chữa được cho ba. Từ ấy trong lòng mẹ nung nấu một ý nghĩ: phải học lên nữa, để có thể đủ trình độ chuyên môn cứu chữa kịp thời cho những đồng đội bị thương như ba…
Ba mẹ chị Hòa đều trong Đội Du kích Ba Tơ. Đội ra đời tháng 3-1945, đã góp phần quyết định vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi tháng 8-1945. Ông Tạ Phượng - ba chị, lúc đó là chính trị viên Đại đội Phan Đình Phùng, một trong hai đại đội thuộc Du kích Ba Tơ. Mẹ chị, bà Vân Nguyên (đi hoạt động đổi tên là Nguyễn Thị Sâm) vốn là nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế. Ngày ấy, bà từ Sài Gòn ra thị xã Quảng Ngãi và tình cờ gặp ba chị, một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đang hoạt động bí mật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sâm (ngồi đầu bên phải) trong một buổi giao ban tại Bệnh viện tiền phương Trà Bồng, Quảng Ngãi (khoảng đầu năm 1972). |
Số phận dun dủi cho đôi trai tài gái sắc ấy gặp nhau, theo tiếng gọi của tình yêu, mẹ đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở cố đô theo ba lên chiến khu, chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy. Những người cộng sản kiên trung đã lập nên đội du kích ngày ấy là Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Trần Lương... sau này đều trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng của quân đội ta. Ba chị cũng là một trong số những chỉ huy đầu tiên, song ông đã sớm ngã xuống trên mảnh đất quê hương.
Ông sinh năm 1919, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936, năm 1941 là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị địch bắt kết án 8 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1945, ông vượt ngục trở về tham gia Du kích Ba Tơ. Tạ Phượng cùng Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt kết nghĩa anh em, thề sống chết có nhau. Năm 1952, ông là Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trung ương triệu tập ông về chiến khu Việt Bắc phổ biến tình hình nhiệm vụ mới cho quân dân miền Trung. Một ngày đầu năm 1953, trên đường trở về ông bị địch phục kích.
Khi ba hy sinh, mẹ chị mới 28 tuổi, dù vẫn còn xuân sắc, song bà dành trọn vẹn tình yêu cho người chồng đã khuất, ở vậy nuôi con. Bà hăng hái đi hoạt động trả nợ nước thù nhà, đầu năm 1946 là Tỉnh ủy viên, Bí thư Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Sau Hiệp định Geneva năm 1955, bà tập kết ra Bắc. Ý chí vươn lên đã thôi thúc bà học ngày học đêm trở thành bác sĩ, rồi bà được về công tác tại một bệnh viện ở Hải Phòng. Ba người con gái của bà đều ngoan ngoãn, học giỏi.
Ngày ấy, chiến sự ở miền Nam đang ác liệt,Tạ Phương Hòa học ở nơi sơ tán. Một hôm mẹ đến thăm, mẹ ôm chị vào lòng, bảo là sẽ đi B, về lại mảnh đất nơi ba nằm xuống. Mẹ tình nguyện đi vào nơi đạn lửa theo tiếng gọi của trái tim, theo lời nguyền dạo nào trở về cứu chữa cho đồng đội và nhân dân ở quê hương. Dạo ấy, cũng có đồng nghiệp thấy mẹ gầy yếu, lại là vợ liệt sĩ thì khuyên không nên đi, nhưng ý mẹ đã quyết, không thay đổi, câu trả lời đơn giản là: trong ấy đang cần bác sĩ. Năm 1969, bà đã đón cái tết đầu tiên tại chiến trường. Ngày nay, trong cuốn album gia đình còn có một tấm ảnh nhỏ đã ngả mầu vì thời gian, tấm ảnh chân dung của ba chị.
Đằng sau ảnh có ghi những dòng chữ nhỏ xíu: “29 Tết (1969) Phượng ơi, thật hôm nay Nguyên mới thấy hết cái đau khổ của một người mẹ xa con và những đứa con không bố phải xa mẹ; 29-7-69 Phượng ơi!Sống mãi nơi Nguyên;14-1-70 Hạnh phúc chúng mình không được ở ngoài hạnh phúc dân tộc... Nguyên muốn làm nhiều việc nữa để góp phần chấm dứt nỗi đau khổ chung. Phượng ơi, thương Nguyên, thương con, giúp Nguyên có nghị lực”. Ở chiến trường, sốt rét, bom đạn không thể cản bước mẹ và hằng đêm mẹ lại lấy tấm ảnh nhỏ ấy ra ngắm nghía, thầm thì tâm sự, viết vào mặt sau những dòng tâm huyết như ghi nhật ký. Năm 1971, Tạ Phương Hòa đi học tại Đông Đức (cũ).
Chị kể, mỗi lần thấy các bạn cùng lớp có thư của gia đình gửi sang lại ứa nước mắt, thương nhớ, lo cho mẹ. Chỉ khi nhận được lời nhắn từ bác Phạm Kiệt (bác là anh kết nghĩa của ba trong Đội du kích, lúc này là Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chị mới thấy nhẹ nhõm được phần nào. Thư bác viết: “Mẹ con kiên cường lắm, đang là Trưởng ban Dân y và Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng giải phóng và chữa trị cho thương binh, mẹ con còn bí mật vào vùng giáp ranh và vùng tạm chiếm chữa bệnh cho dân. Mẹ con bị địch treo giá lấy mạng sống và gầy ốm lắm nên bác vừa gửi cho mẹ con củ sâm...”
Các chỉ huy đầu tiên của đội Du kích Ba Tơ thời kỳ tháng 8 năm 1945. Từ trái sang, hàng đứng: Tạ Phượng, Nguyễn Chánh, Trần Quý Hai, Phạm Kiệt. |
Thế rồi, một ngày đầu năm 1972, mẹ chị vào vùng giáp ranh chữa bệnh cho dân đã đụng lính Đại Hàn. Chúng rượt đuổi, có cả trực thăng yểm trợ phía trên. Bà bị 7 vết thương trên người, cố lết trốn vào một cái hang nhỏ trong rừng. Khẩu súng ngắn trong tay, bà dự định sẽ dành cho mình viên đạn cuối cùng, chứ nhất định không để địch bắt sống. Đang lúc nguy khốn, có một đơn vị quân giải phóng đóng gần đấy đã chặn đánh bọn địch, giải cứu được bà. Sau đó, mẹ chị ra miền Bắc chữa vết thương và an dưỡng. Đầu năm 1974, bà được phân về Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, làm Chủ nhiệm Khoa Huyết học.
Câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Sâm trở lại chiến trường Quảng Ngãi ngày ấy làm ta nhớ đến người anh hùng, liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Thời điểm bác sĩ Nguyễn Thị Sâm làm trưởng ban Dân y tỉnh, thì người nữ bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm từ miền Bắc vào cũng đang cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân các huyện Ba Tơ, Đức Phổ. Hẳn hai người có quan hệ quen biết vừa là chị em, cấp trên cấp dưới, là đồng chí, đồng nghiệp của nhau.Và bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh vào giữa năm 1970 tại vùng giáp ranh huyện Đức Phổ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sâm qua đời vào một ngày đầu tháng 5 năm 1995 tại Hà Nội, thọ 70 tuổi. Hôm đó nắng đẹp. Những người thân cùng đồng đội đưa tiễn bà về nơi an nghỉ cuối cùng trong niềm thương tiếc vô hạn. Trên cao xanh kia, người chồng rất đỗi thương yêu của bà dang tay đón người vợ vô cùng thủy chung, can đảm cùng về cõi vĩnh hằng. Bà đã thực hiện trọn vẹn lời hứa danh dự của người chiến sĩ Ba Tơ, suốt đời cống hiến hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc!
Phạm Quang Đẩu