Trái tim ngừng đập bên trang bệnh án

27-07-2012 16:11 | Y tế
google news

… Cuối mỗi chiều nắng tắt, chị vẫn hướng ánh nhìn ra con đường trước cửa nhà, như mong ngóng, như chờ đợi hình bóng quen thuộc của anh trở về. Dù đã gần giỗ giáp năm anh, nhưng với mẹ con chị, với bà con hàng xóm và những đồng nghiệp của BS. Phạm Đức Giầu ở Bệnh viện đa khoa Vũ Thư, Thái Bình,

(SKDS) - … Cuối mỗi chiều nắng tắt, chị vẫn hướng ánh nhìn ra con đường trước cửa nhà, như mong ngóng, như chờ đợi hình bóng quen thuộc của anh trở về. Dù đã gần giỗ giáp năm anh, nhưng với mẹ con chị, với bà con hàng xóm và những đồng nghiệp của BS. Phạm Đức Giầu ở Bệnh viện đa khoa Vũ Thư, Thái Bình, anh mới chỉ vừa đi đâu đó vài hôm, rồi sẽ quay lại, tận tụy và yêu thương tất cả mọi người như những năm tháng sống trong đời anh đã từng làm.

Đêm mùa hạ đau thương

Chị ngồi cùng tôi trong căn nhà nhỏ đã gần năm nay quạnh quẽ vì vắng bóng anh - người đàn ông duy nhất trụ cột trong nhà. Chúng tôi vừa trở về từ Tòa án nhân dân tỉnh, nơi sáng nay đã đưa ra xét xử công khai vụ Nguyễn Xuân Dũng đâm chết BS. Phạm Đức Giầu, chồng chị ngay tại phòng cấp cứu Khoa Ngoại 3 - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Vũ Thư, Thái Bình, khi anh đang viết bệnh án sau khi nỗ lực cấp cứu cho chính anh trai của hung thủ.

Sáng nay, nhìn chị co ro trong dải khăn trắng xa xót trở tang chồng, hai tay ôm lấy di ảnh anh ở tòa án, không ít người đã rơi nước mắt xót thương cho chị. Ngay cả khi ra trước công đường và bây giờ đây, trước bàn thờ chồng, người phụ nữ ấy vẫn một dáng hình chịu đựng, lành hiền đến tội nghiệp. Chị khóc, những giọt nước mắt từ từ chảy xuống trên gương mặt hốc hác, những ngón tay nhỏ dù đã cố đan vặn vào nhau, vẫn run bần bật. Vụ án đã khép lại, hung thủ đã nhận mức án cho hành vi tàn độc, vô nhân tính của mình, nhưng với mẹ con chị, nỗi đau mãi mãi vẫn vẹn nguyên...

 Cơ quan điều tra xác minh hiện trường vụ án.
Nhìn ra mảnh sân nhỏ hầm hập cái nắng giữa hạ, chị bảo nếu không có tháng nhuận, giờ này mẹ con chị chuẩn bị làm giỗ đầu cho anh. Chị kể ngày anh đi, trời cũng nóng như nung thế này. Đêm ấy như bao đêm trực khác của người bác sĩ tận tâm, nhưng như có linh tính, chị không thể ngủ được. Hết bắc ghế ra hiên ngồi ngóng trời mau sáng, chị lại vào nhà, lẩn thẩn mở tủ, lấy quần áo của anh ra để xếp lại. Gần nửa đêm, chị nghe tiếng điện thoại, rồi ít phút sau, thấy tiếng xe máy và nhận ra em trai anh đến đón con gái mình. Vội vàng mở cổng, chị hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời, anh bị cảm, đang nằm trên BV.
 
Gần sáng, chị hay tin dữ. Sấp ngửa chạy đến BV, chị ngã quỵ khi thấy chồng mình nằm trên chiếc bàn phủ khăn trắng toát. Đôi mắt anh nhắm nghiền, vĩnh viễn không còn bên chị ánh nhìn hiền hậu, yêu thương nữa. Loáng thoáng bên tai chị, tiếng khóc của những người thân và đồng nghiệp của anh, chị nghe tiếng được tiếng mất rằng anh ra đi vì bị chính người nhà bệnh nhân mà anh vừa cấp cứu dùng dao đâm trúng tim. Chị chỉ biết ôm lấy xác chồng, trách ông trời sao nỡ mang anh đi cay đắng thế. Mấy chục năm anh làm thầy thuốc cứu người, giờ anh lại chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của chính người nhà bệnh nhân mà anh đã tận tâm dốc sức cứu chữa trước đó.

Cả chị, cả hai cô con gái, cả những người thân trong gia đình và bạn bè đồng nghiệp của anh, đến tận giờ này, cũng vẫn không thể lý giải nổi con người hiền hậu, tận tụy như anh, “cả đời không nói to với ai một tiếng”, vậy mà chết thảm thương đến vậy.

Phạm Thị Lý, con gái đầu của anh, nước mắt ầng ậng kể về những ngày còn bố, hai chị em như hai nhành cây non, tựa vào bóng cây cổ thụ, vững chãi và đầy yêu thương. Lý bảo, cô quyết tâm học và làm ngành y cũng vì tấm gương từ bố. Được làm chung với bố tại BV, cô tự hào lắm, tự hào vì đã trở thành đồng nghiệp của bố, san sẻ cùng ông trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang: nghiệp cứu người.

“Thầy thuốc của nhân dân” trong ký ức người ở lại

* Khi biết tin BS. Phạm Đức Giầu ra đi khi làm nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến chia buồn, động viên gia đình BS. Giầu. Bộ trưởng đã chỉ đạo Sở Y tế Thái Bình cùng phối hợp với các ban ngành chức năng tỉnh Thái Bình đưa ra những hành động thiết thực nhằm sẻ chia, làm dịu nỗi đau cùng gia đình BS. Giầu.

* BS. Đỗ Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, sau sự ra đi đột ngột của BS. Phạm Đức Giầu, Sở Y tế Thái Bình đã phát động phong trào “Học tập và làm theo gương BS. Phạm Đức Giầu” ở tất cả các BV trong toàn tỉnh. Phong trào này không chỉ quyên góp ủng hộ chia sẻ khó khăn với gia đình BS. Giầu mà còn mang ý nghĩa “sốc lại” tinh thần làm việc của đội ngũ y bác sĩ. Hiện tại, Sở Y tế Thái Bình đang khẩn trương phối hợp cùng các ban ngành liên quan tiến hành việc giải quyết các chế độ cho BS. Phạm Đức Giầu và gia đình của ông.

Tại phiên tòa xử kẻ sát hại BS. Phạm Đức Giầu, các đồng nghiệp của anh được tòa mời đến làm nhân chứng, đã rưng rưng nước mắt khi kể lại những giây phút cuối cùng của cuộc đời anh tại BV. Ngoài nỗi ám ảnh kinh hoàng vẫn đượm trong giọng nói, trong ánh mắt của điều dưỡng viên Nguyễn Nam Thắng,  điều dưỡng viên Lê Thị Thơ, Đỗ Thị Thúy, của sinh viên thực tập Vũ Thị Khuyên có mặt trong kíp trực hôm đó, của BS. Nguyễn Ngô Hoàn - người đã bị hung thủ đâm một nhát chí mạng vào cạnh sườn với thương tật vĩnh viễn 18%... là sự đau đớn và thương tiếc cho anh, người đồng nghiệp đáng kính, tấm gương lớn về lòng tận tâm với nghề. BS. Bùi Xuân Thúy - nguyên Giám đốc BVĐK huyện Vũ Thư nghẹn ngào: “Cùng tuổi với BS. Giầu, khi nghe tin BS. Phạm Đức Giầu và BS. Hoàn bị đâm, tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật.
 
Cả đời cống hiến cho đất nước, cho ngành y, với chuyên môn và kinh nghiệm điều trị vững vàng nên những ca bệnh khó, những công việc khó khăn anh không nề hà, thường xung phong và hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao. Thời điểm anh Giầu ra đi, cũng chỉ vài tháng nữa là anh ấy nghỉ hưu, yên tâm phụng dưỡng mẹ già, dạy bảo hai cô con gái. Vậy mà anh ra đi bất ngờ quá”. BS. Thúy lặng lẽ gạt những giọt nước mắt, cố giấu đi sự xúc động hồi lâu mới tiếp tục được: “Anh Giầu là người sống giản dị, hiền lành, tận tụy với nghề. Là đảng viên gương mẫu, nói đi đôi với làm. Trong hoàn cảnh bên ngoài các đối tượng la ó, đập phá phòng cấp cứu, BS. Phạm Đức Giầu vẫn bình tĩnh cùng kíp trực tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân Hùng. Chỉ đến khi nhát dao oan nghiệt lấy đi mạng anh thì anh mới chịu dừng công việc...”.
 
Ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng thôn Đông An, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, hàng xóm của gia đình BS. Giầu cho biết, những người dân trong xã luôn nhớ đến ông với hình ảnh một vị bác sĩ thôn quê. Hễ cứ về đến nhà là ông lại tay cày tay cuốc, giúp vợ gặt lúa, gieo mạ như những nông dân mộc mạc tại vùng quê lúa này. “Mấy chục năm sống gần anh Giầu có thấy bao giờ anh nghĩ cho mình đâu. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong nhà anh làm đều vì mẹ già, vợ và các con”. Còn trong công việc, với trình độ và bản tính chân thật, giản dị, ông Giầu trở thành “phòng khám di động” của bà con lối xóm. Ông Hạ bảo, mấy chục năm rồi ông chưa hề thấy ông Giầu nề hà bất kỳ trường hợp đau ốm nào của bà con chòm xóm.
 
Mưa cũng như nắng, ngày cũng như đêm, hễ biết tin có ai trong xóm dù là người già hay trẻ ông đều tất tả chạy qua thăm khám cho họ. Nhiều gia đình trong xóm nếu chẳng may có người trong nhà ngã bệnh thì người đầu tiên họ muốn gặp là ông Giầu. Họ nói “có bác Giầu chúng tôi yên tâm. Bác khám rồi tư vấn cho gia đình. Bệnh nào bác nói chưa phải chuyển lên viện là nhất nhất không phải chuyển, bệnh nào mua thuốc gì bác cũng dặn cẩn thận”. Với người dân xóm nghèo Đông An này, mỗi lần phải đi BV là mỗi lần trăm nghìn lo lắng bởi BV ở xa lại thêm nhiều chi phí ăn ở, đi lại. Sự thăm khám, tư vấn tận tình của BS. Giầu đã giúp người dân bớt đi nhiều âu lo.

Gia đình anh Phương xóm bên còn nhớ như in ân tình của BS. Giầu đối với gia đình mình. Năm ấy, cả Thái Bình đối mặt với trận đại hồng thủy. Anh Phương nhớ lại: cả tuần đó mưa giông lớn suốt mấy ngày liền, nước ở các con sông dâng cao vùn vụt, cả xóm nhỏ chìm trong biển nước. Không may đúng vào thời điểm đó, con gái tôi mới 8 tuổi lên cơn sốt cao co giật. Trong cảnh nước lụt đi lại khó khăn, nguy hiểm, nhà cũng không hề có một viên thuốc hạ sốt nào, gia đình cứ rối như canh hẹ. Chợt nhớ tới BS. Giầu, tôi bấm điện thoại gọi. Thú thật lúc đấy gọi thì gọi chứ trong lòng tôi vẫn nghĩ, hoàn cảnh nước lụt này mấy ai lại ra khỏi nhà. Ấy vậy mà dứt điện thoại một lúc tôi đã thấy bác Giầu mình khoác mảnh áo mưa nhỏ, quần vén cao gối, vai đeo túi cứu thương lội bì bõm vào nhà. Ông đỡ cháu bé từ tay vợ tôi, đo huyết áp, cặp nhiệt độ rồi tiêm thuốc. Gần nửa tiếng sau, cháu bé hạ sốt. Lúc ấy ông mới đứng dậy, đưa cho gia đình mấy vỉ thuốc và dặn kỹ cách sử dụng rồi chào gia đình bằng mấy cái vỗ vỗ vào vai tôi như động viên. Chúng tôi chưa kịp nói lời cảm ơn, ông đã chân ướt chân ráo tất tả ra đến đầu ngõ...

Từ những lời kể nghẹn ngào, đau xót của đồng nghiệp và bạn bè làng xóm, chân dung vị bác sĩ được dân làng yêu mến gọi là “y nông” hiện ra dung dị, chất phác, hiền lành và tận tụy nhất mực. Ông Phạm Chí Chiểu, em trai út của BS. Giầu, người giờ đây thay hai anh trai đã khuất chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi ngậm ngùi: “Ngần ấy năm anh tôi công tác ở BV huyện, nhưng chưa bao giờ giành “đặc quyền đặc lợi” gì cho người thân trong nhà cả. Gia đình có ai đau ốm, đến BV khám, anh bảo cứ xếp hàng mua sổ khám bình thường như mọi người. Có lần trời nóng bức quá, tôi chờ sốt ruột quá nên vào tìm anh để nhờ được khám cho nhanh. Anh quay ra bảo tôi nhẹ nhàng mà thấm thía vô cùng: “Chú chịu khó tí nữa, rồi sẽ đến lượt. Chú chen lên trước, toàn người bệnh với nhau, người già, trẻ con còn mệt mỏi hơn nhiều mà cũng đều xếp hàng cả thôi”.
 
Anh Giáp, em rể BS. Giầu từ khi đưa di ảnh anh từ tòa án về nhà, chỉ xăm xắn đi sắp mâm, lo cơm nước cho mọi người, giờ khi “mâm bát đã hòm hòm” mới tham gia câu chuyện: “Nếu còn anh Giầu, mấy việc vừa rồi có muốn cũng chẳng đến được tay tôi. Ngồi ăn cùng mâm đấy nhưng anh ấy đi lại liên tục, nhà trên nhà dưới, xem mọi người ăn uống đàng hoàng rồi mới yên tâm lo phần mình. Mà cũng chẳng mấy khi anh ấy có bữa cơm trọn vẹn với gia đình. Nhiều khi vừa bưng bát lên, có người gọi nhờ khám bệnh, hay trên BV có ca cấp cứu, anh lại tất tả đi ngay. Anh bảo người bệnh có cần mới nhờ đến mình. Biết họ ốm, sao đành lòng mà ngồi ăn cho được”... Ngừng lời phút chốc như để lắng lại cảm xúc đang dâng nghẹn, ông Giáp chỉ tay ra mảnh vườn xanh um cây cỏ sát nhà: “Từ ngày anh ấy mất, cỏ giả trong vườn mọc um tùm dần khuất cả lối đi. Ngày xưa một tay anh ấy vườn tược, chăm nom cây cối. Đi làm thì thôi, cứ về đến nhà là chẳng khác ông nông dân, quần đùi áo cộc, nhổ cỏ, bắt sâu, tỉa cành rồi gánh nước tưới cây. Vườn nhà nhưng mùa nào thức ấy, xanh rờm rợp. Giờ thì cây cối xơ xác như vườn hoang, bọn trẻ mải miết đi làm từ sáng đến tối. Còn chị Tuất thỉnh thoảng lắm mới dám ra vườn, vì cứ ra lại nhớ ông ấy, vật vã khóc lên khóc xuống suốt”...
 Người thân và đồng nghiệp BS. Phạm Đức Giầu tại phiên tòa xét xử kẻ thủ ác.

Một đời trọn vẹn

Trong đêm trực định mệnh ấy, 2 y tá trực tại phòng cấp cứu kế bên phòng làm việc của BS. Phạm Đức Giầu còn nhớ như in hình ảnh ông tay ôm ngực, máu chảy ròng ròng thấm đỏ cả tấm áo trắng đang mặc chạy vào phòng cấp cứu và nằm gục xuống sàn, chỉ kịp nói: “Đóng cửa lại không nó vào đâm đấy!”. Trong khoảnh khắc mỏng manh giữa sự sống và cái chết, những lời trăn trối cuối cùng của BS. Giầu vẫn là bảo vệ tính mạng cho đồng nghiệp. Một đời ông sống, luôn tận tâm, chân thành và tha thiết đến tận những giây phút cuối của cuộc đời. Với BS. Phạm Đức Giầu, những ngày ông sống đã trọn vẹn một kiếp làm người tử tế. 

Cũng ngay trong đêm định mệnh ấy, khi biết tin dữ đã xảy ra với đồng nghiệp của mình, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống, Nhà thơ, TTƯT, BS. Trần Sĩ Tuấn đã đau xót viết bài thơ: Tại sao anh phải ra đi? Những câu thơ chất chứa, đau xót vì sự ra đi đầy nghiệt ngã của người đồng nghiệp.

Lê Thanh Thúy - Hoàng Văn Hậu

TRẦN SĨ TUẤN

Tại sao anh phải ra đi?
 
                            Kính tặng hương hồn BS. Phạm Đức Giầu, đồng nghiệp của tôi
 
Tại sao anh phải ra đi?
Taycòn ôm bệnh án
Trang bệnh án mở ra sự sống
Mở ra bao hy vọng cho đời.
 
Tại sao anh phải ra đi?
Tim anh rỉ máu
Trái tim thầy thuốc lớn hơn điều ta nghĩ
Nặng hơn mọi nỗi đau
Trái tim đập trong lo toan khắc khoải
Trong mong manh số phận con người
 
Cái ác phải đền tội
Anh còn về được đâu...
 
Tại sao anh phải ra đi?
Tại sao anh phải ra đi?
Tại sao anh phải ra đi?
Đã cạn đêm rồi
Trang bệnh án không mở ra được nữa…!

                                      Đêm 16/8/2011


Ý kiến của bạn