Hà Nội

Trái tim của làng

23-06-2018 07:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhà rông chỉ gắn với làng, nó là linh hồn của làng, là biểu tượng của làng, không chung với làng khác, mang cả yếu tố tâm linh và vật chất của làng ấy và cho làng ấy.

Tôi vừa xuống một ngôi làng rất đẹp - làng Kon Sơ Lah thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh - cái huyện thì rất gần thành phố Pleiku nhưng làng thì lại rất xa và có lẽ là tại vì rất xa thế nên nó vừa có một sự kiện: Có cái nhà rông truyền thống lớn nhất Tây Nguyên vừa khánh thành. “Làng Kon Băh tái định cư vào năm 2000, nhưng mãi đến năm 2009 nhà rông mới chuyển về đây. Ngôi nhà được dựng từ năm 1986, ở làng cũ cách vị trí này 18km. Sàn gỗ bên trong có kích thước 10 x 22m, sức chứa 500 người. Cả 8 cây cột chính đường kính 35cm, dài hơn 5m đều là gỗ trắc; rui là những cây gỗ tròn đều chằn chặn không hề chắp nối đường kính 10cm, dài 13m; mè bằng nứa, mái lợp tranh 3 lớp, 7-10 năm mới phải thay mới hoàn toàn. Những năm ấy làm gì có cơ giới, nhờ sức trâu, cơ bắp con người và sức mạnh cộng đồng làng. Đã có nhiều người đến đặt vấn đề mua ngôi nhà sàn này với giá 10 tỷ đồng và thay lại bằng ngôi nhà rông “hiện đại” trụ bê tông, rui vì kèo sắt, mái tôn với cùng kích thước nhưng dân làng không đồng ý. Nó là báu vật truyền đời, có đến 100 tỷ đồng cũng không bán”, ông Hnaih - Bí thư đảng ủy xã trả lời một đồng nghiệp của tôi. Còn làng Kon Sơ Lah mà tôi vừa nhắc trên có cái nhà rông còn khủng hơn, theo thông tin công bố thì nó lớn nhất Tây nguyên.

Nhà rông ở Tây Nguyên.

Nhà rông ở Tây Nguyên.

Càng vào vùng sâu thì hình như nhà rông truyền thống càng còn nhiều thì phải. Cũng là Hà nhưng là xã Hà Đông, trước cũng chung xã với Hà Tây, sau tách ra, Hà Tây ở Chư Păh và Hà Đông ở huyện Đăk Đoa. Đặc điểm chung là Chưa Păh và Đăk Đoa đều sát thành phố Pleiku nhưng 2 xã này thì lại rất xa, rất hiểm trở. Con đường vào Hà Đông phải vừa đi ôtô vừa đi bộ. Dân còn khá khổ, nhưng làng Kon Mahar lại có ngôi nhà rông truyền thống rất đẹp. Chứ còn các làng càng gần thành phố thì nhà rông càng... hiện đại, tức là nó chả còn là nhà rông nữa, hay chính xác chỉ còn cái mà những người duy ý chí bảo đấy là nhà rông chứ bà con trong làng thì không. Và không phải thì họ không dùng, mà không dùng thì tức là nhà rông chết, bỏ không đấy dù đã được làm với rất nhiều tiền.

Nói đến Tây Nguyên là người ta nhắc ngay tới nhà rông, như một thành tố của Tây Nguyên, như hiển nhiên, mặc định. Nhưng ít người biết rằng, cho đến giờ, nhà rông chỉ có ở mạn Bắc Trường Sơn - Tây Nguyên, trải dài từ Thừa Thiên Huế, qua Quảng Nam, Kon Tum và tới Gia Lai thì... hết. Sang đến vùng Mnông, Êđê... của Đăk Lăk là nhà dài rồi.

Một số nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng, có thể ngày xưa tất cả các tộc người sống dọc Trường Sơn Tây Nguyên đều có nhà rông nhưng rồi do lý do khách quan nào đó, nó bị triệt tiêu dần. Ngay ở Gia Lai thì càng về phía Nam thì nhà rông càng thưa.

Nhà rông chỉ gắn với làng, nó là linh hồn của làng, là biểu tượng của làng, không chung với làng khác, mang cả yếu tố tâm linh và vật chất của làng ấy và cho làng ấy. Cái thời chúng ta làm nhà rông văn hóa cho bà con, đặt ở trung tâm xã, không có người sử dụng rồi bỏ hoang là vì thế.

Người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, cái gì cũng có linh hồn. Và những linh hồn ấy tụ ở nóc nhà rông. Vì thế ngày xưa, trong nhà rông thường có những nơi cất vật thiêng. Nó có thể là hòn đá, là cái rựa, là cái răng nanh hoặc sừng thú... Nóc nhà rông là nơi các vị thần trú ngụ. Ở sân nhà rông thường có cây nêu cũng là nơi để dân làng “giao lưu” với thần linh. Vì thế, cúng nhà rông chính là cúng các vị thần, “truyền đạt” ý kiến dân làng tới các vị thần. Đa phần phụ nữ không được lên nhà rông. Có những làng có 2 nhà rông: nhà rông đực và nhà rông cái. Tất nhiên nhà rông cái là dành cho phụ nữ.

Khách đến làng thường ngủ ở nhà rông. Ban đêm thanh niên chưa vợ thường lên nhà rông ngủ. Trước khi ngủ, họ nói chuyện, chơi đàn, các loại đàn tự tạo và sau này thì ghi-ta. Người Tây Nguyên rất có năng khiếu âm nhạc và hội họa.

Nhà rông càng to càng đẹp thì càng chứng tỏ làng ấy giàu và hùng mạnh. Và không phải ai cũng biết làm nhà rông. Cả cái nhà rông đồ sộ cao vút thế, giữa lồng lộn gió thế, mà những nghệ nhân làm nhà không bản vẽ, không có dụng cụ đo đạc, chỉ ước lượng bằng kinh nghiệm và mắt. Dụng cụ để làm nhà rông cũng hết sức thô sơ, không dùng bất cứ thứ vật liệu hiện đại nào như đinh, dây thép... mà chỉ dùng dây rừng và mộng. Cũng không có cưa đục bào... mà chỉ có 2 dụng cụ chính là rìu và rựa. Thế mà ngôi nhà rông lừng lững cao vút giữa làng. Nhà rông hay nằm giữa làng, xung quanh là những ngôi nhà sàn lúp súp, như đàn gà con quây quanh gà mẹ. Ngôi nhà rông với gỗ và tranh tồn tại ngạo nghễ như chiếc rìu lộn ngược giữa trời xanh bất chấp nắng mưa gió bão. Các kỹ sư xây dựng còn tính rằng các tỷ lệ của nhà rông rất chuẩn chứ nếu không chả cần gió bão nó cũng sẽ tự sập vì chính trọng lượng của nó. Thế mà chỉ một nghệ nhân mù chữ, cả đời chưa bước qua giọt nước làng, toàn ước lượng bằng mắt và bằng một lời dẫn nào đó từ một cõi nào đó chứ như đã nói, họ làm gì có kinh nghiệm, ngôi nhà rông cao vút trở thành biểu tượng của sức mạnh Tây Nguyên và là biểu trưng của văn hóa Tây Nguyên.

Đường vào làng Kon Mahar và nhà rông Kon Mahar.

Đường vào làng Kon Mahar và nhà rông Kon Mahar.

Trông cao to, có những nhà rông khổng lồ nhưng nhà rông lại rất mềm mại bởi những đường cong, khối cong của nó. Có lẽ đấy chính là yếu tố để nó không bị gió quật đổ. Những đường cong trữ tình duyên dáng một mặt làm cho cái khối nhà đồ sộ kia không bị thô, mặt khác chính nó giữ thế cân bằng cho nhà rông để nhà rông ngạo nghễ tồn tại giữa trời đất, giữa nắng mưa, giữa thiên nhiên bạo liệt, che chở cho con người, cho buôn làng, làm nên một bản sắc Tây Nguyên để nhiều người phải ngẩn ngơ, thán phục.

Ngay cái cách bài trí trong nhà rông cũng rất phù hợp để sinh hoạt tập thể. Có chỗ ngủ, có bếp lửa, có chỗ cột rượu và chú ý cả yếu tố sinh hoạt nữa. Ví dụ đa phần sàn nhà rông là bằng le hoặc nếu ván thì cũng có kẽ hở. Đơn giản là để nước rượu cần lọt xuống, thức ăn lọt xuống, tàn thuốc lọt xuống. Một số nhà rông văn hóa sau này sàn kín mít nên rất bẩn là do không hiểu nguyên lý sử dụng, không thấy cái hợp lý từ những chi tiết tưởng như vu vơ nhất, nhỏ nhặt nhất.

Ngày xưa, mỗi làng khi làm nhà rông phải chuẩn bị cả hàng dăm bảy năm, từ kiếm gỗ, cắt tranh đến các loại khác. Nhưng vẫn có những nhà rông được làm mới. Và rõ ràng, vào mỗi làng Tây Nguyên, nếu không có nhà rông, cứ thấy thiếu một cái gì như cái làng Việt không có đình làng. Sau một thời gian dài chúng ta đầu tư làm nhà rông văn hóa thì bây giờ phong trào làm nhà rông truyền thống đang có cơ hồi phục. Lâu không làm, ngay tay nghề nghệ nhân cũng sẽ lụt mất. Có ai đào tạo thợ làm nhà rông đâu, truyền nghề thôi. Và cũng không phải ai cũng có thể tiếp thu nghề. Nghệ nhân là những người đặc biệt, tài năng bẩm sinh, tài hoa và quý hiếm. Nên việc khôi phục nhà rông truyền thống, ngoài việc trả làng Tây Nguyên về đúng là... làng Tây Nguyên còn là cách để các nghệ nhân truyền nghề cho con cháu.

Có rất nhiều bí ẩn để làm nên một cái nhà rông nữa, có cả những bí ẩn chưa thể giải mã và chính sự bí ẩn ấy làm cho nhà rông thêm hấp dẫn, làm cho con người muốn khám phá. Hiện nay đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới. Có nhiều tiêu chí để một làng, một xã được công nhận là nông thôn mới, với làng Tây Nguyên, thiết nghĩ không thể không khôi phục các nhà rông ở những làng có nhà rông bởi nó chính là thành tố quan trọng của làng, là một phần của làng và chính nó là làng Tây Nguyên.

Làng - một thực thể gắn với đời sống người Việt Nam, dù là người Kinh hay người Jrai, Barna, Giẻ Triêng, Sơ Đăng, Rơ Ngao... nếu không cẩn thận sẽ thành những cái xác làng vô hồn.


VĂN CÔNG HÙNG
Ý kiến của bạn