Cụ thể, cụ Nguyễn Văn Ngòi (SN 1936, ở Lương Sơn, Hòa Bình) bị đau răng thời gian dài, sau khi được gia đình đưa đi khám ở nhiều cơ sở phòng khám tư nhân nhưng không khỏi, đã quyết định đưa cụ đến Bệnh biện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội để được các bác sĩ thăm khám.
Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ khẳng định cụ Ngòi mắc ung thư xương hàm dưới sàn miệng giai đoạn 4. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn xương hàm dưới phải, cắt bỏ sàn miệng, cắt bỏ tuyến nước bọt hàm dưới lưỡi phải, nạo vét thành cảnh cổ phải và tái tạo vạt da xương mác cẳng chân trái.
Người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật - ThS.BS Lại Bình Nguyên, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết, trường hợp của cụ Ngòi là một ca bệnh khó và cấp thiết. Nếu không phẫu thuật thì khối u sẽ rất dễ bị phát tán, đến khi đó sẽ không còn khả năng phẫu thuật.
Ngoài ra, với phẫu thuật cắt bỏ khối u như trên, phải phẫu thuật tái tạo lại sang miệng và xương hàm dưới ngay. Nếu không tái tạo, sẽ gây rò nước bọt từ miệng xuống cổ. Kèm theo, nếu mất xương sẽ gây biến dạng khuôn mặt, mất khả năng ăn nhai, nói, hạn chế giao tiếp, dần dần sẽ làm cho người bệnh mặc cảm, tự ti.
Để tái tạo tổ chức khuyết hổng trên, cần chuyển vạt da xương từ cẳng chân đưa lên. Với kỹ thuật mới này, không nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam có thể làm được.
Giải thích vì sao đây là một ca mổ khó, ThS.BS Lại Bình Nguyên phân tích với 4 lý do:
Thứ nhất, khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải gây mê khoảng 7 – 8 giờ, mà cụ Ngòi tuổi đã cao, huyết áp lên xuống thất thường, nên các bác sĩ đã phải hội chẩn rất kỹ. Ngoài ra, cho bệnh nhân khám chuyên khoa lão khoa, nội khoa, để xem có bệnh lý gì kèm theo không.
Thứ hai, bệnh nhân có bất thường về giải phẫu cổ vạt. Thứ ba, trong quá trình cắt u, mạch thoát tĩnh mạch bị thiếu nên ekip phẫu thuật đã phải lấy thêm một đoạn tĩnh mạch bên đối diện để nối dài mạch thoát, nếu không thì máu sẽ bị căng, dẫn đến thất bại trong cuộc mổ.
Thứ tư, thông thường sẽ phải có nhánh giải phẫu xuất phát từ bó mạch mác để nuôi dưỡng cho bó mạch về nuôi da, nhưng bệnh nhân này lại không có, chúng tôi lại phải thêm hai mối nối nữa (1 mối nối động mạch, một mối nối tĩnh mạch). Vì mạch nuôi da lại xuất phát từ bó mạch chầy sau, nên không thể lấy thêm một bó mạch chầy sau nữa, mà phải cắt đi và nối thêm một mối nối, mối nối này nhỏ hơn rất nhiều so với mối nối tĩnh mạch.
"Trong ca mổ, chúng tôi đã lấy vạt da xương mác cẳng chân bên trái của bệnh nhân để làm chất liệu tạo hình. Trong vạt da xương mác này có 2 thành phần, cung cấp 2 chất liệu tạo hình trong một mối nối của cuống mạch (vạt da kích thước 25x6cm dùng để che phủ sàn miệng, ngăn cho dịch nước bọt, thức ăn không chui qua sàn miệng xuống dưới cổ; vạt xương dài 21cm để tái tạo cành cam xương hàm dưới bên phải)", Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phân tích.
Cũng theo ThS.BS Lại Bình Nguyên, hiện tại ca phẫu thuật đã thực hiện được gần 3 năm, bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn theo dõi. Tuy nhiên, có thể thấy, sức khỏe đã ổn định, sau phẫu thuật cũng không phải điều trị bổ trợ thêm về tia xạ hóa chất nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được đảm bảo hơn.
Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Nguyễn Văn Diện (con trai cụ Ngòi) cho biết, hiện tại, sức khỏe của bố mình khá tốt, "trộm vía" mấy năm nay không ốm đau.
"Hằng ngày bố tôi vẫn dọn dẹp nhà cửa, chặt củi, chăm sóc hoa, đạp xe đi chơi…. gia đình thấy vậy cũng rất vui mừng. Thực sự vô cùng biết ơn các bác sĩ của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội vì đã hết lòng điều trị cho bố tôi. Xin chúc toàn thể đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện luôn mạnh khỏe để tận tâm và cống hiến hết mình trong sự nghiệp cứu người", anh Diện chia sẻ.
Dấu hiệu, triệu chứng và phương pháp điều trị ung thư xương hàm
Theo ThS.BS Lại Bình Nguyên, ung thư xương hàm là một dạng của ung thư xương ở vùng mặt, được xác định khi trong xương hàm có sự hiện diện của khối u ác tính. Một người có thể bị ung thư xương hàm nguyên phát khi khối u khởi phát ngay ở xương hàm hay phát triển thứ phát do kết quả của khối u ác tính ở vị trí khác từ trước đó.
Người mắc ung thư xương hàm thường xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Cảm giác đau: Khối u càng phát triển thì cơn đau càng trở nên dữ dội, liên tục và kéo dài âm ỉ. Cũng có trường hợp khối u phát triển âm thầm, thậm chí không gây đau, được phát hiện qua lần thăm khám sức khỏe, đôi khi tình cờ phát hiện bởi bác sĩ răng hàm mặt.
Ở giai đoạn muộn gây chảy máu lưỡi, môi… và chảy máu khó cầm. Kèm theo khoang miệng hôi thối nhiều, gây khó chịu với người xung quanh khi tiếp xúc.
- Bị sưng: Nếu khối u mọc ngoài xương hàm sẽ gây sưng mặt. Nếu khối u mọc trong xương hàm sẽ gây sưng miệng.
- Răng bị lung lay: Việc răng lung lay là kết quả của việc khối u ảnh hưởng đến phần xương ở xung quanh nướu răng, khiến cho xương bị mềm rồi bị tiêu hủy và răng bị lung lay.
Ngoài những dấu hiệu điển hình trên thì tùy vào loại khối u ở từng trường hợp cụ thể mà mỗi người bệnh cũng sẽ phát triển các dấu hiệu khác nhau.
Để chẩn đoán ung thư xương hàm, trong quá trình thăm khám lâm sàng cho người bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe ở vùng đầu cổ, trong đó có cả việc chỉ định xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm có giá trị chẩn đoán phân biệt khác.
Để điều trị ung thư xương hàm thì tùy vào tình trạng khối u ở từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Đến nay, các phương pháp đang được áp dụng để điều trị ung thư xương hàm gồm: Phẫu thuật loại bỏ khối u, phẫu thuật cắt bỏ xương hàm, xạ trị, hóa trị liệu. Tuy nhiên, nếu để muộn, khối u xâm lấn tổ chức xung quanh di căn xa thì không còn được chỉ định phẫu thuật.
"Đối với bệnh ung thư xương hàm, tiên lượng sống của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều và giai đoạn và mức độ bệnh. Tuy nhiên, so với khối u ác tính ở các khu vực khác của cơ thể thì khối u xương hàm ác tính có tiên lượng tốt hơn, nhất là ở giai đoạn bệnh chưa di căn.
Việc điều trị ung thư xương hàm được tiến hành càng sớm và đúng phương pháp thì tiên lượng sống của bệnh nhân càng cao. Vì thế, khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc yếu tố nguy cơ đối với bệnh lý này, giúp phát hiện bệnh từ sớm là cách tốt nhất để mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh", ThS.BS Lại Bình Nguyên khuyến cáo.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Dấu hiệu nhận biết ung thư xương:
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương - SKĐS