Trái ngọt khi cải lương tìm về lịch sử

18-12-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Dù đang gặp những khó khăn nhưng gần đây, một số nhà hát ở nước ta vẫn nỗ lực gìn giữ, phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương bằng cách dàn dựng tác phẩm gắn với nhân vật, câu chuyện lịch sử.

Dù đang gặp những khó khăn nhưng gần đây, một số nhà hát ở nước ta vẫn nỗ lực gìn giữ, phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương bằng cách dàn dựng tác phẩm gắn với nhân vật, câu chuyện lịch sử. Và nhiều vở cải lương như vậy khi ra mắt khán giả đã được đón nhận, bởi hầu hết đã truyền tải các giá trị tư tưởng, kết nối khán giả hiện tại với lịch sử...

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai - người có nhiều giải thưởng gắn với sân khấu cải lương cho rằng, lịch sử Việt Nam là một kho báu để sân khấu cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật khác khai thác. Điều quan trọng là người làm nghề dàn dựng một vở gắn với giai đoạn, nhân vật lịch sử đó như thế nào để không bị lặp lại cái người khác đã làm, tức là phải có cách kể mới để tạo sự hấp dẫn chinh phục khán giả.

Hình ảnh vị anh hùng Mai Hắc Đế (giữa) trong vở cải lương cùng tên.

Gần đây, khán giả ở Hà Nội đã được thưởng thức vở cải lương Vua Phật do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện. Đây là tác phẩm sân khấu tái hiện một giai đoạn oanh liệt nhất trong lịch sử nước nhà khi quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của các vua Trần đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Vở cải lương này không chỉ khắc họa đức vua Trần Nhân Tông một đấng minh quân, không chỉ lừng lẫy chiến công mà còn biết “dựng đạo - tạo đời”. Vua Phật như nhắc lại những giá trị to lớn của lịch sử đất nước, lịch sử Phật giáo Việt Nam giúp khán giả thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, thêm tự hào về khí phách của cha ông thông qua sự nhập vai của các nghệ sĩ trẻ với lối diễn xuất tự nhiên nhưng cũng rất truyền cảm với từng nhân vật.

Vẫn là Nhà hát Cải lương Việt Nam, năm nay các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đem đến cho khán giả vở cải lương đặc sắc Mai Hắc Đế. Vở cải lương này được chuyển thể từ kịch bản văn học của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, tập trung phản ánh cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và làm nổi bật hình ảnh thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa là nhân vật lịch sử Mai Hắc Đế với hình ảnh một người nông dân bình dị, ý chí kiên cường chứ không phải hình ảnh một người lẫm liệt, đao to búa lớn. Tuy nhiên, với thời lượng 150 phút, vở cải lương Mai Hắc Đế đã tái hiện cuộc đời vị anh hùng từ khi chào đời đến khi ông đập tan ách đô hộ của nhà Đường, giành độc lập cho đất nước. Được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận nồng nhiệt nên vở Mai Hắc Đế từng giành Huy chương Bạc, cùng với đó là giải cá nhân cho diễn viên tham gia vở diễn khi dự Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vừa qua.

Không chỉ Nhà hát cải lương Việt Nam có các vở cải lương xuất sắc về đề tài lịch sử ở trên, thời gian qua, một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật ở nước ta cũng có tác phẩm ghi dấu ấn với công chúng. Điển hình là vở cải lương Đào Duy Từ do Câu lạc bộ cải lương Cao Văn Lầu (Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu) thực hiện, từng giành Huy chương Bạc Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Đây là vở cải lương được tác giả - đạo diễn Quốc Khánh ấp ủ và miệt mài sáng tác trong một thời gian dài. Nội dung xuyên suốt của vở Đào Duy Từ là chuỗi những biến cố về cuộc đời của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, tài ba và nặng lòng yêu nước Đào Duy Từ, nhưng cuộc đời ông lại gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, qua vở Đào Duy Từ, khán giả nhận thấy được tinh thần trung quân, ái quốc của bậc hiền tài; đề cao những giá trị nhân văn của dân tộc trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ đất nước.

Từ đầu tháng 11/2015 đến nay, khán giả tại TP. Hồ Chí Minh đã được thưởng thức vở cải lương Trung thần do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng. Trung thần được chuyển thể cải lương bởi Hoàng Song Việt, đạo diễn là NSƯT Hoa Hạ. Vở cải lương này xoay quanh những con người chính nghĩa như Tả quân Lê Văn Duyệt, Trung quân Nguyễn Văn Thành và Hữu quân Lê Chất. Tuy nhiên, vở cải lương Trung thần lấy cảm xúc của khán giả ở chỗ đã khai thác đức tính thương dân, sống vì dân của một trung thần trong lịch sử mang tên Lê Văn Duyệt, trong đó quyết diệt trừ tham nhũng, không cả nể dù đó là hoàng thân quốc thích. Qua vở cải lương này, khán giả đã có cái nhìn đầy đủ hơn về công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt - người Tổng trấn tài ba đất Gia Định.

Từ những vở cải lương về đề tài lịch sử có “chất” kể trên cho thấy nghệ thuật sân khấu cải lương vẫn đang nỗ lực để tạo ra những “trái ngọt” phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Và đáng mừng hơn cả bởi các đơn vị nghệ thuật, nhà hát đã và đang hướng tới dàn dựng những tác phẩm lịch sử khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng tâm quyết chí chống giặc ngoại xâm, tránh xa thói hư tật xấu và hướng đến một cuộc sống an lành, hạnh phúc.


Quỳnh Trang
Ý kiến của bạn