Trái ngọt giáo dục trải nghiệm di sản

29-11-2019 07:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Để lan tỏa giá trị di sản tới thế hệ trẻ và nâng cao kiến thức, thời gian gần đây, chương trình giáo dục trải nghiệm di sản đã được nhiều trường học ở nước ta thực hiện.

Đây được xem là hướng đi đúng đắn, giúp các em học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung tự lĩnh hội kiến thức, thêm yêu và trân trọng, cùng chung tay bảo vệ các di sản của dân tộc. Hà Nội được xem là địa phương đi đầu ở nước ta trong hoạt động giáo dục trải nghiệm di sản. Vài năm trở lại đây, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện chương trình giáo dục di sản. Nội dung chương trình nhằm định hướng cho học sinh hiểu về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới, hiện đại. Học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán.

Mới đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản và Phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm. Trong đó, Khu trải nghiệm cùng di sản là nơi diễn ra các hoạt động, trải nghiệm dành cho khách tham quan, đặc biệt hướng tới các em học sinh có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu về di sản. Không gian này được trang bị đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, máy tính bảng phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam. Tại đây cũng có các phương tiện để phục vụ việc trình chiếu, thuyết trình của khách tham quan. Với gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp, Khu trải nghiệm cùng di sản mang đến những giờ học sinh động, nhiều ý nghĩa hơn với các bạn trẻ.

Trái ngọt giáo dục trải nghiệm di sảnKhu trải nghiệm cùng di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa được đưa vào sử dụng là điểm đến của các em học sinh tại TP. Hà Nội.

Sở GD&ĐT Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội 2 năm qua cũng đã triển khai chương trình hợp tác giáo dục di sản. Địa điểm diễn gia các hoạt động này là Hoàng thành Thăng Long cổ kính. Chương trình gần đây, ban tổ chức cho biết có gần 8.000 em học sinh tham gia trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề về Trung thu truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. Nhiều loại hình đồ chơi dân gian như ông tiến sĩ giấy, phỗng đất, đèn cá, diều, đồ chơi sắt tây... được tái hiện, trưng bày trong không gian phố cổ đầy hoài niệm, giúp các em nhỏ nhận biết được ý nghĩa, giá trị của từng món đồ chơi truyền thống đang dần vắng bóng. Đặc biệt, các em còn được trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm đồ chơi dân gian; xem biểu diễn múa lân, ảo thuật; xem hát trống quân và vui chơi thỏa thích. Thông qua hoạt động trải nghiệm này, các em thiếu nhi trực tiếp tham gia vào những hoạt động bổ ích, ý nghĩa và tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc. Theo thống kê, có 19.086 học sinh đã tham gia chương trình giáo dục di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa sau một năm triển khai. Bên cạnh đó, lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.

Một địa phương khác là TP. Hội An (Quảng Nam), thành phố này cũng đã thực hiện chương trình Giáo dục Di sản học đường, cho các em học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tham quan, tìm hiểu, tham gia hoạt động trải nghiệm tại Chùa Cầu và Bảo tàng Hội An. Tham gia hoạt động này, các em được tìm hiểu về hai địa danh nổi tiếng của Hội An qua việc tương tác giữa cán bộ bảo tàng, các hoạt động trải nghiệm như ghép tranh, tô màu Chùa Cầu và làm đèn dầu tự tạo để giúp hiểu rõ hơn về di sản ở Hội An. Hoạt động này đã góp phần giúp các em học sinh trong việc bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo khi được trải nghiệm thực tế.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, giáo dục trải nghiệm di sản giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại. Nhiều giáo viên tại Hà Nội từng đưa học sinh tham gia các chương trình giáo dục trải nghiệm di sản cũng cho biết, đến học tập tại các địa điểm di tích, bảo tàng, các em học sinh rất háo hức. Các em đã tiếp thu rất nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nề nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có những hiểu biết cơ bản về giá trị di tích văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng... Sau trải nghiệm thực tế đó, trở về với lớp học, các em học tập tiến bộ hơn. Nhưng ý nghĩa hơn nữa, bài học đối với các em học sinh ở hoạt động trải nghiệm không chỉ là lời giảng, lời kể mà các em được thực hành, được tiếp cận với di sản trực tiếp. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế sẽ có tính chất gợi mở để các tự tìm tòi, khám phá. Đồng thời, từ hoạt động này, thế hệ trẻ được nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, giúp các di sản văn hóa “sống” cùng thời cuộc.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn