Trái ngọt dành cho vị Tổng thống “toàn không”

08-05-2017 09:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Không ai nghĩ rằng, ông Emmanuel Macron – người mà trong tay không có bất cứ một đảng phái ủng hộ nào, không có bất cứ nghị sĩ hoặc đại biểu dân cử nào lại trở thành Tổng thống Pháp. Ông còn ghi dấu trong lịch sử bầu cử Pháp là vị Tổng thống đầu tiên, trẻ nhất của nước Pháp.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa diễn ra hôm 7/5 cho thấy, ứng cử viên theo đường lối ôn hoà Emmanuel Macron đã giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ Marine Le Pen và trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Theo kết quả sơ bộ, ông Emmanuel Macron – 39 tuổi, đã  giành được khoảng 65,5% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen giành được khoảng 35% số phiếu bầu.

Lãnh đạo châu Âu là những người vui mừng hơn cả, bởi họ ủng hộ ông Emmanuel Macron.  Trong khi thấp thỏm lo lắng nếu bà Le Pen – người được coi giống ông Trump của nước Pháp thắng cử, tương lai châu Âu có thể sẽ có thêm một thành viên nữa ra đi.  Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker đã viết lên Twitter bày tỏ niềm “vui mừng vì người Pháp đã chọn tương lai châu Âu”.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, cả bố và mẹ ông Emmanuel Macron là Jean-Michel và Françoise Macron đều là bác sĩ. 2 người em đã lựa chọn con đường khoa học và trở thành bác sĩ, thì ông Emmanuel Macron lại lựa chọn khoa học xã hội để phát triển bản thân. Ông đã tốt nghiệp thạc sĩ triết học rồi làm trợ lý sau đó tiếp tục học Trường Hành chính quốc gia Pháp và Viện nghiên cứu chính trị Paris. Thời học sinh ông luôn chứng tỏ mình là người thông minh, học rộng. Nhưng lần “chạm ngõ” với chính trị của ông lại xuất phát từ chuyên ngành kinh tế.

Kinh qua nhiều vị trí, ông Emmanuel Macron đã chứng tỏ được bản thân, và được tin tưởng giao cho chức nhân viên của Uỷ ban phát triển kinh tế quốc gia. Sau đó lên làm chuyên viên cấp cao của ngân hàng Rothschild and Cie, rồi cố vấn kinh tế cho ứng viên Tổng thống. Đỉnh điểm ông đã trở thành Bộ trưởng kinh tế trẻ tuổi thứ 2 trong lịch sử Pháp khi mới 37 tuổi. Con đường sự nghiệp của ông Emmanuel Macron rất “thuận buồm xuôi gió” khi ông đã chạm tới vị trí là người đứng đầu của nước Pháp vào ngày 7/5.

Không một ai có thể nghĩ rằng, một người sinh ra ở một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc nước Pháp, vừa đứng ra thành lập Phong trào chính trị Tiến lên (EM) chưa được 1 năm có thể thành công đến vậy. Nên nhớ đây là một phong trào chính trị nhỏ chứ chưa được công nhận là một đảng. Điều này giải thích tại sao dư luận lại cho rằng ông Emmanuel Macron sẽ trở thành một Tổng thống “toàn không”: không đảng phái, không nghị sĩ hay đại biểu dân cử ủng hộ… Đây sẽ là bài toán mới đòi hỏi ông Emmanuel Macron phải hoá giải trên cương vị Tổng thống. Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng, đây có thể là lợi thế với ông Macron chăng? Vì ông sẽ trở thành người đứng ra xem xét, cân nhắc điều gì sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho nước Pháp mà không chịu bất cứ một sức ép từ các đảng phái nào.

Tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất phải kể đến cuộc sống riêng tư của Tổng thống Pháp. Đó là về cuộc hôn nhân với người vợ hơn ông 24 tuổi. Bà là cô giáo Brigitte Trogneux, hai người gặp gỡ khi bà đang có chồng và con. Tuy nhiên tình yêu sâu đậm giữa cô giáo và học trò đã có kết quả tốt đẹp là một cuộc hôn nhân.  Người ta cho rằng, đây đúng là tình yêu kiểu Pháp.

Xem bài: 5 sự thật gây sốc về đệ nhất phu nhân Pháp tương lai

Nói đi cũng phải nói lại, ứng cử viên đối lập Le Pen mặc dù chỉ giành được 35% phiếu bầu, nhưng chưa bao giờ nước Pháp chứng kiến số cử tri đi bầu cử thập như vậy. Theo đánh giá có quá nhiều người Pháp không muốn rời khỏi EU nhưng cũng đang mất niềm tin về nhóm này.

Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, ông Macron cho biết, mục tiêu chính của ông là “làm dịu những lo sợ của người dân, khôi phục niềm tin của người Pháp, cùng nhau đối mặt với các thách thức phía trước”.  Ông cũng tuyên bố bảo vệ quyền và lợi ích của nước Pháp cũng như sẽ bảo vệ châu Âu. Chưa biết ông sẽ thực hiện những cam kết của mình thế nào,  nhưng người dân Pháp hy vọng sẽ nhìn thấy ông cắt giảm chi tiêu chính phủ, cải cách mã số thuế, nởi lỏng thị trường lao động, làm cho nền kinh tế Pháp năng động hơn. Tất cả còn chờ thời gian trả lời sau ngày 14/7 – ngày ông Emmanuel Macron nhậm chức Tổng thống Pháp.


Hải Yến
Ý kiến của bạn