Hà Nội

Trải nghiệm một ngày làm Đại sứ Thụy Điển của nữ sinh Việt Nam

04-10-2019 09:05 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 3/10, Phương Anh (20 tuổi) đã trải qua một ngày trên cương vị là Đại sứ Thụy Điển. Bạn đã được Đại sứ trao quyền nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Không chỉ riêng Phương Anh, trên 63 quốc gia mà tổ chức đi tiên phong về quyền trẻ em gái Plan International hoạt động đều có các bé gái được trao quyền lãnh đạo, có bạn thậm chí còn được đảm nhiệm cương vị Thủ tướng của một nước.

Phương Anh, nữ sinh 20 tuổi ĐHSP được Đại sứ Ann Måwe trao quyền làm Đại sứ Thụy Điển trong 1 ngày

Phương Anh, nữ sinh 20 tuổi ĐHSP được Đại sứ Ann Måwe trao quyền làm Đại sứ Thụy Điển trong một ngày

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nữ sinh được trao quyền đảm nhiệm vị trí của đại sứ một nước, giúp em trải nghiệm vai trò dẫn dắt của một nhà ngoại giao.

Phương Anh hiện là sinh viên Trường Đại học Sư Phạm. Năm nay em 20 tuổi. Trước đó, em từng theo học khoa kế toán của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Em tham gia vào các hoạt động của tổ chức Plan International, trong đó có dự án an toàn giao thông. Em được Plan International đề cử thông qua nhóm Thủ lĩnh của sự thay đổi.

Đại sứ Ann Måwe và Đại sứ "một ngày" Phương Anh. Với trải nghiệm một ngày trên cương vị lãnh đạo, sẽ giúp các trẻ em gái nhận rõ quyền bình đẳng của mình.

Ngày 11/10 được Liên Hợp Quốc công nhận là Ngày Quốc tế Trẻ em gái với mục đích thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái. Plan International là tổ chức đi tiên phong về quyền của trẻ em gái, hoạt động tại 63 quốc gia. Tại Việt Nam, thông qua chuỗi hoạt động này, kể từ năm 2016, đã có khoảng 520 trẻ em gái trên cả nước đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại các địa phương (có bạn làm chủ tịch huyện, có bạn làm chủ tịch xã…).

Nhân kỷ niệm ngày này, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã cam kết tất cả các đại sứ quán Thụy Điển ở các nước Plan International hoạt động sẽ trao quyền cho trẻ em gái.

Phương Anh bắt đầu đảm nhiệm vai trò Đại sứ tại Đại sứ quán Thụy Điển

Khi nhường lại vị trí Đại sứ cho bạn Phương Anh, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe đã chia sẻ lại câu chuyện vươn lên từ một bé gái vùng thôn quê trở thành nhà ngoại giao của bà. Thuở nhỏ, cô bé Ann Måwe chưa hiểu công việc của một nhà ngoại giao là gì. Bố mẹ của Ann Måwe rất ủng hộ con gái theo đuổi ước mơ của mình. Lớn lên, Ann Måwe muốn trở thành nhà ngoại giao để tạo nên sự thay đổi cho xã hội. Trong 20 năm công tác trong ngành ngoại giao, Đại sứ Ann Måwe từng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực chính sách, phát triển. Vào khoảng năm 2011, khi còn làm việc ở Liên Hợp Quốc, bà theo đuổi chính sách đối ngoại bình đẳng giới và khi đó tại LHQ, người ta đã thảo luận về việc ra đời Ngày Quốc tế Trẻ em gái.

"Đại sứ Thụy Điển trong một ngày" Phương Anh tại Trường THPT Vân Nội

Đại sứ Ann Måwe chia sẻ rất khâm phục phụ nữ Việt Nam bởi dù mới sang đây được 4 tuần, nhưng bà đã có dịp tiếp xúc với nhiều nữ CEO Việt Nam thành đạt và truyền cảm hứng.

Trong chính phủ Thụy Điển, nữ giới chiếm khoảng 56%, còn tại Quốc hội là 46%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ CEO tại các tập đoàn, doanh nghiệp vẫn còn thấp. Thụy Điển vẫn đang phải đấu tranh đòi công bằng tiền lương cho nữ giới bởi ở đây, lương dành cho nam giới thường cao hơn nữ giới.

Phương Anh, Đại sứ Ann Måwe cùng tổ chức Plan chụp ảnh lưu niệm cùng CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường THPT Vân Nội

Trên vai trò là Đại sứ Thụy Điển trong ngày, Phương Anh đã cùng Đại sứ Ann Måwe tới thăm Trường THPT Vân Nội ở Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, họ gặp gỡ Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi. Những câu chuyện cảm động về “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Các bạn nữ của CLB đã chia sẻ những câu chuyện xung quanh mình như vụ một em gái ở Đông Anh bị chính người bác ruột cưỡng bức, rách màng trinh, mất khả năng sinh sản nhưng sau đó gia đình đã không kiện. “Em hy vọng mọi người hãy lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ và mong muốn của chúng em. Quyền bình đẳng là một nhu cầu thiết yếu.” là thông điệp mà Phương Anh muốn truyền tải.

CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi chụp ảnh chung cùng Phương Anh và Đại sứ Ann Måwe

Ngoài ra, các bạn nữ ở CLB còn chia sẻ ước mơ vươn tới tầm cao của mình như trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp,... Phương Anh thay mặt Đại sứ Thụy Điển cũng chúc cho các bạn sẽ sớm đạt được ước mơ của mình, trở thành những nhà lãnh đạo và góp phần thay đổi xã hội trong tương lại.

Clip Phương Anh truyền cảm hứng cho các bạn Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường THPT Vân Nội

Phương Anh cho biết: “Thông qua dự án Thành phố An toàn cho Phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức Plan International, cá nhân em cùng với 700 bạn (cả nam và nữ) từ 26 trường học ở Hà Nội là thành viên của câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự Thay đổi hiện đang hoạt động tích cực để truyền thông cho các bạn khác, các thầy cô giáo, gia đình và cộng đồng về bạo lực trên cơ sở giới, những chuẩn mực xã hội và khuôn mẫu đối với trẻ em gái và phụ nữ. Plan cũng đã hỗ trợ em tham gia Hội nghị Thượng đỉnh dành cho nữ giới khu vực châu Á tại Thái Lan. Tại đây, em đã cùng các bạn nữ đại diện cho các nước khắp châu Á lên kế hoạch cho một chiến dịch về phụ nữ trong vị trí lãnh đạo”.

Phương Anh chia sẻ về dự án Thành phố An toàn cho Phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có an toàn trên xe buýt

Dự án về An toàn giao thông mà Phương Anh tham dự cùng Plan và Thủ lĩnh của sự Thay đổi đã thực sự tạo ra sự thay đổi. Bản thân Phương Anh trong 3 năm đại học lúc nào cũng đi xe buýt. Em chia sẻ, ngày xưa khi đi trên xe buýt, chỉ thấy poster dán tranh ảnh người nổi tiếng. Nhưng hiện giờ, trên các xe buýt đã có poster tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Trên xe buýt 60B thậm chí còn có gắn camera nên cảm giác an toàn hơn. Trước kia, người phạm tội như xâm hại trên xe cũng khó xử phạt vì không có bằng chứng. Nhưng bây giờ, có camera rồi sẽ giảm được tình trạng quấy rối phụ nữ trên xe.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn