PV: Là người nhiều năm nghiên cứu bài Long hoa đao pháp, võ sư hãy chia sẻ về những điều ấn tượng của môn võ này?
Võ sư Châu Mẫn: Bài quyền Long hoa đao pháp là một trong lục bộ tinh (võ rồng, võ mèo, võ trâu, võ khỉ, võ rắn, võ hổ) của Bình Định Gia được giữ gìn, phát huy và kế thừa đến nay đã hơn 200 năm.
Long hoa đao pháp có 180 động tác, là một trong những bài quyền dài nhất của hệ thống các bài quyền của môn phái Bình Định Gia.
Điều ấn tượng nhất của bài quyền này là được thể hiện dựa trên hình tượng con rồng với sức mạnh siêu nhiên cùng các miếng đòn cương nhu uốn lượn nhưng mang tính sát thương cao.
Trong bài quyền, võ sư như rồng đang bay lượn, những ngón tay biểu thị cho móng vuốt của rồng, giương hết ra. Các động tác lợi hại nhất của môn võ này là: cấu, giật, chộp, giữ, đẩy...
Môn võ này sức mạnh tập trung ở eo, lưng và các đường gân tập trung ở móng vuốt, khi võ sĩ tập luyện thế long tấn, các đường gân phải căng ra để đạt đến sức mạnh. Điều này có nghĩa là võ sĩ lấy chân làm điểm tựa vững chắc, uốn lượn phần eo lưng để dồn sức mạnh vào những ngón tay (móng vuốt).
PV: Sức mạnh của Long hoa đao pháp nằm ở đâu, thưa võ sư?
Võ sư Châu Mẫn: Sức mạnh của Long hoa đao pháp thông qua việc sử dụng bàn tay tấn công nhanh, mỗi ngón tay đều chứa sức mạnh có khả năng công phá lớn.
Việc kiểm soát hơi thở trong môn võ này cũng rất quan trọng, thở đúng, đều khiến thân thể mềm dẻo, nhẹ nhàng uyển chuyển. Nhịp thở áp dụng trong thi đấu cũng như tập luyện võ Long hoa đao pháp là thở nhẹ nhàng khi tạm nghỉ, thở mạnh khi tung đòn chiến đấu.
Nếu nói các đòn cước bằng tay là tinh hoa thì cước (chân) đá trực diện vào vùng thượng vị của đối phương cũng là một điểm nhấn của Long hoa đao pháp. Cước chân khiến cho những bộ phận cứng nhất trên cơ thể người cũng có thể vỡ vụn.
PV: Theo võ sư, tôn chỉ của người dạy võ, học võ đối với chị là gì?
Võ sư Châu Mẫn: Từ khi bắt đầu thành lập, Bình Định Gia chúng tôi đã lấy tôn chỉ "Võ đạo vị nhân sinh – Võ công khai trí tuệ". Nghĩa là võ công để rèn luyện sức lực, khai tâm mở trí, tự tin vào bản thân và tự tôn dân tộc. Không những vậy, môn sinh luyện tập còn được truyền dạy tư tưởng "Dụng thủ vi công – Thương tâm giả ác". Có nghĩa là lấy tự vệ là chính, lấy sự lương thiện để giải cái ác, và đây mới chính là cốt lõi của võ Bình Định nói chung và Bình Định Gia nói riêng.
Những môn sinh học Long hoa đao pháp cũng được chúng tôi truyền đạt cho nắm rõ điều này. Cho nên, tôi không những muốn lan tỏa riêng Long hoa đao pháp mà còn muốn lan tỏa hết những nét đẹp võ thuật mà tôi đã học hỏi được từ Bình Định đến mọi người, mọi vùng miền.
PV: Là phái nữ, đam mê võ thuật, chị thấy có những khó khăn gì?
Võ sư Châu Mẫn: Với tôi, trong cuộc sống cũng như trong võ thuật tôi luôn đề ra quyết tâm phải vượt qua mọi khó khăn. Trong tâm mình luôn hội đủ lòng kiên trì, nghị lực thì sẽ giữ mãi được niềm đam mê môn võ thuật mình đang theo đuổi.
Đi đâu tôi cũng luôn tự hào mình là người con Bình Định, xứ đất võ trời văn. Thật ra cái 'văn' ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nó không chỉ cụ thể trong văn học nghệ thuật, mà rộng hơn, chỉ về lối sống của con người nơi đây.
Gắn bó với nghề võ thuật từ nhỏ, tôi nghiệm ra, phụ nữ Bình Định càng có võ thuật uyên thâm càng giản dị, không chuộng màu mè, hình thức.
Nhiều người là nữ võ sư hay nữ võ sinh tôi đã gặp, đã dạy đều điềm đạm, họ gắn bó võ thuật không phải để đánh ai hay dùng võ làm những việc không tốt mà ngược lại, họ dùng võ để lan tỏa phong trào rèn luyện sức khỏe, giữ gìn cho thế hệ sau.
PV: Cảm ơn võ sư.