Cũng từng có sức vóc, khỏe khoắn như những phụ nữ khác, đã có những ngày tháng hạnh phúc có, vất vả có, nhưng từ khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nỗi vất vả, gánh nặng cuộc sống trĩu nặng hơn. Họ là những phụ nữ không may mắn mang trong mình căn bệnh về máu.
Chúng tôi gặp và lắng nghe tâm tư của “người xây tổ ấm” trong những ngày nhiều người bà, người mẹ, người chị… đang hạnh phúc đón ngày 08/3 – ngày Quốc tế dành riêng cho những người phụ nữ để thấu hiểu, chia sẻ nỗi vất vả gấp bội lần của những người phụ nữ bệnh khổ.
Tiếp máu cho người sinh ra “máu”
Mới được truyền máu xong gương mặt chị Trần Thị Thúy Nga (26 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) cũng hồng hào hơn, chị cảm thấy sức khỏe của mình tốt hơn nhiều. Ôm bé trai mới sinh trong lòng, người mẹ trẻ nở nụ cười thầm cảm ơn các y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảm ơn những người hiến máu tình nguyện đã cứu giúp để cô “sống lại một lần” nữa, để được chăm sóc con trai bé nhỏ của mình.
28 Tết, chị nhập bệnh viện Phụ sản Hà Nội để sinh con đầu lòng. Niềm vui, sự hồi hộp chờ đợi và lắng nghe tiếng khóc chào đời của bé con nhanh chóng qua đi, khi chị Nga gặp biến chứng không mong muốn sau sinh, chị bị băng huyết, máu chảy liên tục không cầm được. Trước tình hình khẩn cấp đó, các bác sỹ đã chỉ định cần truyền máu gấp. Chị Nga được truyền liên tục gần 2 lít máu. Nhớ lại phút giây thập tử, nhìn thấy sức khỏe của mình dần mất đi đó, chị chia sẻ: “Những giọt máu như một phép màu cứu sống cuộc đời tôi, sinh ra tôi lần thứ hai. Tôi và gia đình vô cùng biết ơn người tình nguyện hiến máu, những người mà tôi không quen biết…”.
Trước đó, chị Nga đã từng hiến máu khi còn là sinh viên, chị chưa bao giờ nghĩ mình cần phải truyền máu trong cuộc đời. Lần sinh con này, nhờ truyền máu, chị như được hồi sinh lần nữa. “Chắc chắn, trong thời gian tới khi khỏe mạnh trở lại, tôi cùng chồng sẽ đi hiến máu tình nguyện…”.
Chị Nga và con trai mới chào đời.
Máu là… “cơm”
Đã hơn một năm nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW trở thành ngôi nhà thứ hai của chị Nguyễn Thị Huệ (Nam Đình). Phát hiện mang bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, chị phải truyền máu thường xuyên. Đợt điều trị lần này, chị Huệ nhập Viện ngày mùng 2 Tết khi chỉ số tiểu cầu trong máu giảm mạnh. “Lần nhập viện này tôi cần phải truyền chế phẩm máu tiểu cầu máy nhưng những ngày Tết do số lượng người hiến tiểu cầu ít nên tôi phải chờ đợi. Cơ thể tôi vô cùng mệt mỏi và đau đớn, nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng không thể sống tiếp…”.
Vào những thời điểm khó khăn, khan hiếm nguồn người hiến máu thì giá trị của những giọt máu càng quý giá hơn. Nhất là những người bệnh mang nhóm máu O như chị, điều đó càng rõ ràng hơn. Những giọt máu là nguồn sống, là niềm tin, là niềm hy vọng sống cho những người bệnh như chị Huệ.“Trong suốt quá trình điều trị của mình, tôi đã được truyền hơn 150 đơn vị máu. Từ sâu thẳm trong trái tim, tôi vô cùng cảm động và xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các y, bác sỹ, người hiến máu, dù chưa một lần cần sự đền đáp, chưa một lần biết mặt biết tên…”. Chị Huệ cũng cho biết, căn bệnh của chị tiếp tục cần phải điều trị trong nhiều năm nữa.
Chị Nga, chị Huệ đã và đang được truyền máu để duy trì sự sống, được trở về cuộc sống thường ngày. Nhưng vẫn còn đó hàng vạn phụ nữ vẫn đang đấu tranh từng ngày với bệnh tật, để giữ cho tổ ấm của mình được bình yên. Ngày 08/3 đang đến thật gần, họ cũng mong muốn được đón nhận những món quà, những lời chúc và hơn lúc nào hết, món quà vô giá họ cần là máu cho sức khỏe. “Máu dường như đã trở thành “cơm ăn” hàng ngày của chị. Cuộc sống của chị phụ thuộc vào người hiến máu tình nguyện” – chị Nga nói.
Ngày 08/3 tới đây, lễ hội hiến máu Xuân Hồng được tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Sự kiện là dịp đặc biệt để mỗi người dành tặng món quà vô giá của mình cho những bệnh nhân, bệnh nhi là nữ, giúp lan tỏa tinh thần nhân ái trong những ngày đầu Xuân. Nhiều sự kiện đặc biệt, hấp dẫn cũng sẽ được tổ chức để tri ân, tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Quốc Huy