Mù mắt vì bị tấn công trong đêm
Những ngày đầu tháng 3/2024, chúng tôi đến Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm (thuộc thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) để ghi nhận những câu chuyện đối mặt với lâm tặc của người giữ rừng.
Anh Nguyễn Nhất Chung (35 tuổi, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm) nhớ như in lần gặp nạn cách đây mấy năm.
Anh Chung kể: "Cuộc đối đầu của tôi với những kẻ mà tôi nghi là lâm tặc diễn ra vào một buổi tối đầu tháng 4/2021. Trên đường đi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng thì gặp 4 thanh niên ở quãng đường tối. Các đối tượng này chặn đầu xe, rọi đèn vào mắt khiến tôi bị chói, sau đó chúng xông vào tấn công tôi tới tấp.
Tôi không biết chúng dùng hung khí gì nhưng chúng đánh rất mạnh khiến tôi bị gãy xương hàm, mắt bên trái không thể mở được, may nhờ có người dân đi câu cá phát hiện sự việc đã gọi cho công an và anh em ở trạm đến đưa tôi đi cấp cứu".
Sau sự việc xảy ra, anh Chung phải trải qua 5 lần phẫu thuật và phải xa rừng hơn 1 năm.
"Sau 5 lần phẫu thuật, giờ tôi vẫn còn 3 ốc vít cố định xương hàm và trán. Biết mình đã mù hẳn 1 mắt, tôi đau khổ lắm. Buồn nhất là không thể đi rừng, bám rừng với anh em nữa.
Đến nay đã 3 năm trôi qua nhưng các đối tượng nghi là lâm tặc tấn công tôi vẫn chưa được tìm thấy để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ nghi là lâm tặc để răn đe, xử lý", anh Chung bộc bạch.
Điều an ủi lớn nhất đối với anh Chung là suốt những ngày tháng điều trị vết thương, lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh, hỗ trợ hết sức có thể.
Do tình hình sức khỏe, anh Chung không còn trực tiếp vào rừng làm nhiệm vụ được như trước mà chỉ cùng đồng nghiệp tuần tra một số vị trí gần trạm, đồng thời làm một số công việc phù hợp do Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm sắp xếp.
"Nhiều khi đang ngồi ăn cơm ở trạm, nghe nguồn tin báo có lâm tặc, mình lại bỏ bát cơm xuống lao đi.
Nhưng chợt nhớ mình đã mù 1 mắt, không vào được rừng nên đành ở trạm nắm bắt thông tin và cập nhật cho các đồng nghiệp. Nhiều lúc nhớ những ngày tháng xông pha cùng anh em đi bắt lâm tặc lắm", anh Chung tâm tình.
Đủ kiểu đe dọa từ lâm tặc
Mới vào lực lượng bảo vệ rừng 2 năm, nhưng anh Hà Lê Sơn Hiếu (28 tuổi, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam) đã nhiều lần đối mặt với các đối tượng khai thác lâm sản trái phép.
Nhớ lại lần giáp mặt với đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép cách đây 1 năm, anh Hiếu kể: "Lúc đó tôi đang trong ca trực thì nghe tiếng động rất lớn phát ra từ trong rừng, tôi lấy xe chạy đến để kiểm tra.
Quá trình kiểm tra tôi phát hiện có một đối tượng đang chở cây gỗ quý lớn nên yêu cầu dừng xe thì bất ngờ đối tượng rút dao ra đe dọa. Tôi nhẹ nhàng khuyên ngăn đối tượng hãy dừng ngay hành vi manh động và cất con dao đi nhưng đối tượng không nghe mà xông thẳng vào tôi. Rất may, cảnh sát và bộ đội biên phòng đã tới hỗ trợ kịp thời nên không xảy ra thương tích".
"Đối tượng lâm tặc đó, sau này phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của cơ quan chức năng. Còn nhiều lần nữa, tôi và các anh em khác cũng phải đối mặt với lâm tặc manh động, sẵn sàng dùng hung khí tấn công nhưng chúng tôi kiên quyết ngăn chặn, bám rừng, bám chốt", anh Hiếu khẳng định.
Dời Trạm quản lý bảo vệ rừng Phước Diêm (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam) chúng tôi tiếp tục đến Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) để nghe thêm chuyện ngăn chặn lâm tặc của người giữ rừng.
Ông Thái Xuân Lam, phó Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha cho biết, đây là khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng nên nhiều đối tượng phá rừng, chiếm đất rừng rất manh động. Chúng thường xuyên nhắn tin, dùng hung khí đe dọa lực lượng giữ rừng.
Nhớ lại thời điểm đầu năm 2024, tình trạng chiếm đất rừng diễn ra nóng bỏng, ông Lam kể: "Thời điểm đó, điện thoại chúng tôi liên tục nhận được tin nhắn đe dọa. Thậm chí có một số đối tượng có dấu hiệu nghiện ma túy dùng hung khí đến tận nhà hoặc đến trạm bảo vệ rừng dọa, phải để cho chúng phá rừng, chiếm rừng.
Khi thấy lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra, các đối tượng xấu còn đi theo dùng những lời lẽ khiếm nhã để uy hiếp nhưng chúng tôi luôn kiên định nghĩ rằng, phải bảo vệ rừng vì đó là 'lá phổi xanh' của đời sống".
Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn Ninh Thuận xảy ra 11 vụ lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng khiến nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng bị thương tích từ nhẹ đến nặng.
Đã có 10 đối tượng lâm tặc bị khởi tố và bị tòa án xét xử từ 1 năm tù trở lên. Riêng vụ anh Chung, chúng tôi mong muốn cơ quan cảnh sát điều tra ở địa phương sớm tìm ra các đối tượng gây án để xử lý thích đáng.