Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước

20-05-2024 18:56 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch.

Lễ hội vật cầu nước làng Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 13/5/2022.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 1.

Lễ hội vật cầu nước làng Vân diễn ra tại sân Đền thờ Đức Thánh Tam Giang, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, với những trận cầu vô cùng sôi nổi, gay cấn và hấp dẫn.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 2.

Tục truyền rằng, khi xưa có hai anh em Trương Hống, Trương Hát (Đức Thánh Tam Giang) đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà Thánh.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 3.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 4.

Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục Đức Thánh Tam Giang. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 5.

Sân Đền rộng hơn 200 mét vuông được đổ đầy đất bùn. Nước đổ vào sân là nước sông Cầu do các cô gái mặc đồ truyền thống của làng quê Bắc Bộ gánh nước từ sông lên bằng quang gánh cổ truyền. Nước được đựng trong chum sành của làng Thổ Hà, loại chum dùng để cất rượu.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 6.

Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1m, rộng hơn nửa mét. Đội nào ôm cầu đẩy được xuống lỗ cầu của đối phương là đội giành chiến thắng. Quả cầu được làm bằng gỗ, nặng khoảng 20kg.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 7.

Đội cầu gồm 16 quân cầu là những thanh niên trai tráng được tinh tuyển từ 5 xóm, chia làm hai giáp đấu là giáp Trên và giáp Dưới. Các quân cầu sẽ phải giữ mình chay tịnh, kiêng chuyện yêu đương trong một khoảng thời gian theo quy định của dân làng trước khi hội vật cầu được mở. Họ được huấn luyện kỹ càng từ việc hành lễ trước Đức Thánh đến việc thi đấu.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 8.

Trước khi vào trận, các quân cầu được đưa ra sân hội, ai cũng cởi trần đóng khố, xếp thành hàng dọc đứng, quay mặt vào Đền lễ Thánh. Lễ xong, quân cầu lên sân Đền uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng theo hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa, gồm các loại hoa quả và rượu làng Vân, thứ rượu ngon nức tiếng của vùng đất này.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 9.

Tiếp đó, các quân cầu của hai giáp xếp hàng đôi, đối diện nhau, mỗi đội cử ra một cặp đấu vật với nhau, đội nào thắng sẽ được giao cầu trước. Trận đấu bắt đầu với sự giao tranh quyết liệt của hai đội. Ai cũng muốn đưa quả cầu vào lỗ của sân đối phương. Khi có quân cầu nào ôm quả cầu lao tới, các quân cầu của bên đối diện đều ra sức cản phá không cho thả vào lỗ cầu bên mình và cướp lại cầu để thả sang bên đối phương. Cứ như thế mỗi trận đấu đều diễn ra vô cùng gay cấn, quyết liệt cùng với tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ sôi nổi, vang rền của nhân dân và du khách thập phương.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 10.

Trong buổi chiều ngày đầu tiên mở hội, mỗi đội đều thả được một quả cầu vào lỗ cầu bên sân đối phương. Đến ngày thứ hai, đội giáp Trên thả được hai quả và đội giáp Dưới thả được một quả. Ngày thi đấu cuối cùng, mỗi đội đều thả được hai quả cầu vào lỗ sân của đối phương. Kết quả chung cuộc là giáp Trên thắng giáp Dưới.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 11.

Lễ hội vật cầu nước làng Vân được các nhà nghiên cứu đánh giá là độc đáo, khác lạ. Ngoài yếu tố tâm linh, tôn vinh chiến thắng của Đức Thánh Tam Giang trước bọn quỷ đen thì Lễ hội vật Cầu nước làng Vân còn gắn với tín ngưỡng thờ thần mặt trời, biểu tượng thiêng liêng của văn minh lúa nước.

Trai làng lấm lem bùn đất tranh tài vật cầu nước- Ảnh 12.

Giành được cầu là giành được năng lượng mặt trời, giành được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh. Đó là sự thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp xưa vào cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn