Trung tâm đầu tiên dành cho người “nghiện” Flappy Bird đã được mở tại Osaka, Nhật Bản từ tháng 2 năm nay với khá nhiều bệnh nhân.
Nghiên cứu y tế gần đây chỉ ra khoảng 10% dân số thế giới đang chịu ảnh hưởng của Flappy Bird, từ những người chỉ cài đặt và xóa game ngay sau 5 phút chơi đến những người hàng ngày chỉ xoay quanh con chim “mặt ngu”.
“Tôi đã chơi game ngu ngốc này hàng tuần không ngủ. Tôi bị suy dinh dưỡng, bị bạn gái bỏ và chắc chắn đã mất việc”, một bệnh nhân thừa nhận. “Tôi chỉ muốn xem nó sẽ kết thúc như thế nào. Nó phải kết thúc, phải không?”.
Một số báo cáo còn nhấn mạnh vài người dùng bị “hoang tưởng” đang ở trong sân vận động, nơi bản thân họ đóng vai con chim và di chuyển qua các chướng ngại vật y như trong game. “Con trai của tôi chơi nó nhiều đến nỗi mà nó còn tưởng mình là Flappy Bird, di chuyển không ngừng, không nói chuyện và la hét mỗi khi có ai đó chạm vào”, mẹ của bệnh nhân đã 40 tuổi chia sẻ khi đưa con đến trung tâm.
Ngoài chuyên gia y tế, trung tâm còn có nhiều nhân viên trước đây từng là “con nghiện” Flappy Bird song đã thoát khỏi nó và trở về đời sống thực tại. “Điều quan trọng là nhận ra Flappy Bird là căn bệnh tương tự nghiện rượu hay ma túy. Tôi còn chứng kiến 3 thế hệ trong gia đình chơi nó”, Aiko Ishikawa, người đã vượt qua cơn nghiện game, nói. “Ban đầu bạn rất ngây thơ, nghĩ mình sẽ bỏ cuộc sau 10 ống nước. Song ngay sau đó, bạn thấy mình ở vào tình huống mà con chim là người bạn duy nhất cũng như kẻ thù duy nhất, vừa là sự cứu rỗi vừa là sự bất hạnh, vừa là chúa song cũng là quỷ thần. Nó là vòng xoáy tội lỗi”, Ishikawa tả lại cảm giác của bản thân.
Trung tâm được đặt tại một vùng quê thanh bình thuộc Osaka, trang bị đầy đủ công nghệ mới nhất, phòng bệnh tối tân và các cơ sở được thiết kế đặc biệt cho người nghiện Flappy Bird. Tất cả không được gợi nhắc bệnh nhân đến game này, mọi nhân viên phải cẩn thận cất đi những thứ liên quan đến ống nước hay loài chim.