Trách nhiệm với cộng đồng

08-05-2017 07:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra tràn lan, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra tràn lan, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ. Trong cuộc đấu tranh với vấn nạn hàng giả hàng nhái, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì không thể không nói đến vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp. Không ít các doanh nghiệp mặc dù bị xâm hại nghiêm trọng khi hàng hóa bị làm giả nhưng chưa mặn mà với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái nói chung mà ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.

Rất nhiều vụ với hàng loạt sản phẩm làm giả bị lực lượng chức năng bắt giữ như phụ tùng ôtô, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng một cách tinh vi, có tổ chức. Điều này đang xâm phạm nghiêm trọng tới quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Nguy hại hơn, nhiều sản phẩm bị làm giả liên quan và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực trạng trên cho thấy, hàng giả gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, đặc biệt một số doanh nghiệp còn chưa công khai tình trạng hàng giả của mình là có xuất hiện trên thị trường, thậm chí họ còn không hợp tác với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Nhiều doanh nghiệp còn ngại nói đến hàng của mình bị làm giả cho nên sự tham gia vào cuộc đấu tranh với hàng giả của nhiều doanh nghiệp còn kém, ngay cả khi chính họ phải là người bảo vệ thương quyền cho chính mình. Theo các chuyên gia về luật, khi các doanh nghiệp bị xâm hại, nếu họ không lên tiếng thì việc đầu tiên xác định luôn là chính họ sẽ bị thiệt hại. Nếu như họ thực sự tuân thủ pháp luật, vận dụng hết quyền năng pháp luật trao cho thì sẽ tránh được rủi ro cho chính bản thân doanh nghiệp, sau đó sẽ bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Chính vì thế, ngay từ khi có dấu hiệu bắt đầu xâm phạm, doanh nghiệp buộc phải lên tiếng. Vận dụng quyền năng pháp luật trao, yêu cầu đối tượng đang xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của mình phải dừng ngay những hành động xâm phạm. Nếu như họ không dừng thì có quyền đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ thu hồi những sản phẩm nhái, sản phẩm giả. Cuối cùng, họ có quyền khởi kiện để đòi bồi thường.

Doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, là chủ sở hữu quyền, hàng hóa của mình. Hơn ai hết, chính họ cần chủ động phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng nhái. Có như vậy, tình trạng này mới được đẩy lùi, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển sản phẩm mới của các doanh nghiệp và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và cộng đồng.


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn