“Trách nhiệm” của nhiếp ảnh gia và những bức hình thay đổi số phận

19-06-2019 12:30 | Quốc tế

SKĐS - Một nhiếp ảnh gia có thể đạt được nhiều điều từ công việc của mình, với các khoản chi trả từ các báo, tạp chí, ấn phẩm, triển lãm, in sách và đôi khi là từ sự nổi tiếng.

Trong khi chủ thể trong những bức ảnh của họ có khi không được chút gì, thậm chí tệ hơn là còn cảm giác như bị lợi dụng, bị khai thác.

Vì vậy, nhiều nhiếp ảnh gia đã gắn bó với các chủ thể trong những bức hình của mình vượt xa hơn nhiều so với việc chỉ dừng lại ở mức chia sẻ các câu chuyện qua ảnh. Họ dùng các tác phẩm của mình, năng lực của mình để đem lại những sự thay đổi tích cực cho những người, những nơi đã giúp họ chụp được những tấm hình đó.

Bức hình Nụ cười ẩn giấu của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn chụp bà Bùi Thị Xong, 74 tuổi, người chèo thuyền lá ở Hội An.

Bức hình Nụ cười ẩn giấu của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn chụp bà Bùi Thị Xong, 74 tuổi, người chèo thuyền lá ở Hội An.

Réhahn - nhiếp ảnh gia người Pháp nổi tiếng nói: “Với tôi, vốn chuyên vào việc chụp chân dung, tôi không thể được như ngày nay nếu không có những người đó. Sẽ là không công bằng khi kiếm sống bằng việc bán ảnh nhưng lại không giúp đỡ gì cho họ”. Réhahn làm việc theo nguyên tắc “đền đáp”. Chủ yếu ở Hội An kể từ năm 2011 tới nay, ông hiện đang làm dự án chụp hình toàn bộ 54 dân tộc thiểu số sinh sống ở Việt Nam. Trong năm 2018, ông mở một bảo tàng tại Hội An, trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh và trang phục truyền thống cùng đồ tạo tác của người dân các sắc tộc khác nhau sống tại Việt Nam; mở bảo tàng Cơ Tu tại huyện Tây Giang cho người dân tộc Cơ Tu, với nguồn tài trợ lấy từ doanh thu bán tác phẩm nhiếp ảnh của mình.

Năm 2011, Réhahn gặp cụ bà Bùi Thị Xong, 74 tuổi, người chèo thuyền lá ở Hội An. Cách tạo dáng chụp hình rất đặc biệt của bà đã tạo cảm hứng cho loạt ảnh Nụ cười Ẩn giấu của Réhahn. Réhahn đã tặng một chiếc thuyền chèo tay cho bà Xong, người được đăng trên trang bìa cuốn sách đầu tiên của ông. Trước đó và sau này, Réhahn còn mua xe đạp, bò và máy ảnh cho các nhân vật ông từng chụp, cũng như từng đóng góp hỗ trợ việc học hành, chăm sóc y tế hay sửa chữa nhà cửa cho họ”. Tôi luôn dành rất nhiều thời gian với mọi người trước khi chụp hình họ. Tôi biết về câu chuyện của họ và thường thì họ trở thành như là người thân trong gia đình vậy. Bản thân những bức ảnh là kết quả của những khoảnh khắc chia sẻ như thế.Tôi không nghĩ là tôi có thể chụp được những bức hình trong lúc vội vã. Đó là vấn đề tôn trọng nhân vật” - Réhahn chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia của hãng Magnum, Steve McCurry, đã mua một căn nhà cho Sharbat Gula, nhân vật trong bức ảnh Cô gái Afghanistan của ông hồi năm 1984 và thành lập một chương trình dạy chụp ảnh cho các phụ nữ trẻ tại Afghanistan - đất nước mà ông đã dành suốt 40 năm để chụp hình. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Kenro Izu đã lập 2 bệnh viện nhi tại Campuchia và Lào sau khi tới thăm Campuchia vào năm 1993 để chụp hình Angkor Wat và gặp cảnh trẻ em ốm bệnh, suy dinh dưỡng, mất chân, mất tay vì bom mìn. “Cá nhân tôi không phải là người giàu có hay nổi tiếng gì. Là một nhiếp ảnh gia, tôi có niềm tin rằng công việc của tôi là dựa trên những gì tôi nhìn thấy, cảm nhận được, chứng kiến được và nghe được từ các nhân vật. Một khi tôi nhìn thấy cảnh một bé gái chết ngay trước mắt, tôi không thể ngoảnh mặt đi. Nếu tôi vờ như không nhìn thấy bi kịch đó thì việc chụp ảnh của tôi đã mất đi nền móng cần có” - Izu giải thích.

César Dezfuli đoạt giải chụp ảnh chân dung Taylor Wessing Photographic Portrait Prize 2017 cho bức ảnh Amadou Sumaila, một di dân được cứu trên Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Libya. Bức ảnh và loạt hình có liên quan, theo Dezfuli, là “kết quả của hàng tháng nghiên cứu”. Không chỉ dừng ở việc công bố các bức hình, Dezfuli còn kêu gọi Nghị viện châu Âu điều tra các tội hình sự có thể có ở Libya đối với di dân. “Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có một trách nhiệm rõ ràng đối với các chủ thể được chụp. Chúng ta làm việc với những câu chuyện có thật, với con người, những người đang sống trong cái thực tế mà ta muốn thể hiện trong các bức ảnh. Những người đó xứng đáng được người cầm máy tôn trọng và sự tôn trọng được thể hiện qua việc dành đủ thời gian để hiểu người chụp muốn thể hiện điều gì, thể hiện như thế nào” - ông Dezfuli khẳng định.

Trên thực tế, không phải người cầm máy nào cũng đạt được sự nổi tiếng, tiền tài hay những nguồn lực để tài trợ cho các dự án lớn hay để trao tặng những món quà hào phóng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể trao tặng lại điều gì cho những con người, những vùng đất mà họ chụp hình, nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Kenro Izu nói.

Thời gian, sự cảm thông và sự tôn trọng là những thứ mà nhiếp ảnh gia có thể trao tặng.


H.A
Ý kiến của bạn