Không biết bao nhiêu vụ án được phanh phui và những kẻ thủ ác, tham nhũng phải trả giá là những chiến công không hề nhỏ của lực lượng chấp pháp. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn những án oan do người chấp pháp áp dụng luật tùy tiện, cảm tính vì động cơ cá nhân hoặc vì không tinh thông pháp luật. Một số vụ án gần đây cho thấy công dân đã bị các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố không có căn cứ pháp luật. Cho dù những người làm sai lên tiếng nhận sai và xin lỗi, nhưng những mất mát về thể chất và tinh thần của nạn nhân và niềm tin trong xã hội là khó có thể khắc phục. Sự đền bù vật chất dù bao nhiêu cũng không thể “mua” lại những gì đã mất và ngay sự đền bù ấy cũng từ tiền thuế của dân khiến nước đã nghèo, dân đã khổ càng thêm khó khăn hơn.
Tác hại của án oan sai không chỉ ảnh hưởng tới người bị oan và gia đình họ mà còn gây hại cho cả xã hội như vụ án quán cà phê Xin Chào gần đây đã khiến Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong phải thốt lên là “ghê gớm”, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Số phận một con người cũng khiến cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kể cả Thủ tướng Chính phủ.
Lạ là những vụ án oan sai chưa thấy chuyện tự nhận ra từ những người trực tiếp thụ lý mà vẫn do báo chí phát hiện, hoặc cơ quan tố tụng cấp trên kết luận sai phạm. Có vụ án khó hiểu như vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vốn đang dũng cảm tố cáo cát tặc bị khởi tố vì tội danh từ xa lắc. Vụ án sau khi bị đình chỉ lại có quyết định xử phạt hành chính. Và rồi lại ra quyết định hủy bỏ xử phạt hành chính khi cấp trên có ý kiến. Chưa nói có chuyện cố chấp “thắng thua” của người thực thi pháp luật ở đây có hay không, chỉ việc pháp luật không minh bạch, muốn là xử, thích là rút, sai nghiêm trọng thì xin lỗi đã làm xói mòn lòng tin trong dân.
Mọi công dân đều phải chấp hành pháp luật nhưng các cơ quan pháp luật không thể bắt công dân bằng quyền lực ngoài pháp luật. Các vụ khởi tố, truy tố oan sai đã làm cho môi trường pháp luật mất an toàn, quyền cơ bản của công dân có thể bị xâm phạm. Công dân của xã hội dân chủ không thể bị hành xử theo thói lề của chế độ phong kiến.
Người dân đóng thuế không mong gì hơn là đất nước giàu mạnh, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được giữ gìn và có một cuộc sống an toàn... Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo xây dựng một quốc gia có môi trường sống lành mạnh, như không có thực phẩm bẩn, không có cá chết vì độc tố do con người thải ra, không có đau khổ vì oan sai... Và có được điều này, việc cốt thiết đầu tiên là phải đảm bảo môi trường pháp luật lành mạnh, công cụ pháp luật không bị lạc vào tay những cán bộ áp dụng luật tùy tiện, cảm tính vì động cơ cá nhân hoặc vì không tinh thông pháp luật.
Số phận của một con người không thể coi là chuyện nhỏ như cái móng tay khi tổng của những “cái móng tay” ấy làm nên sức mạnh của cả một dân tộc.