Ngày 27/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do BS Hoàng Trọng Hanh – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Huế, Tổ trưởng tổ điều trị đã có chuyến khảo sát việc nâng cấp, xây dựng Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Trà Vinh; đồng thời làm việc với Sở Y tế để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác thu dung, điều trị tại địa phương.
Bệnh viện Dã chiến số 1 đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh là cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, thuộc tầng thứ 2 và 3 theo mô hình "tháp điều trị 3 tầng" của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc nâng cấp mở rộng Bệnh viện Dã chiến số 1 thành Bệnh viện Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh COVID-19 nặng là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.
Công trình có tổng kinh phí dự kiến hơn 1,1 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, dụ kiến sẽ được đưa vào hoạt động trước ngày 30/8.
Công trình được thiết kế theo hướng gọn nhẹ, dễ thi công, tiến độ thi công và hoàn thành nhanh... không ảnh hưởng đến kết cấu chính của công trình hiện trạng theo quy định.
Dự kiến sau khi nâng cấp, mở rộng, bệnh viện này có thể bố trí thêm được khoảng 100 giường bệnh và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chuyên môn trong điều trị bệnh hồi sức tích cực cho người mắc COVID-19 nặng.
Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, liên quan đến công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn, hiện tại các cơ sở điều trị cơ bản đã đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn và trang thiết bị, sẵn sàng tiếp nhận thêm bệnh nhân nếu tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác điều trị hiện nay như tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị; Phác đồ điều trị chưa đồng bộ, thống nhất; Một số cơ sở tại các tầng điều trị thứ 2,3 thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là về hồi sức, cấp cứu…
"Hiện nay Trà Vinh vẫn đang thiếu các y, bác sĩ có tay nghề cao đặc biệt là về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, tại các cơ sở y tế vẫn còn tâm lý e ngại, không dám tiếp xúc điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó công tác điều trị, chẩn đoán và chuyển tuyến còn chậm dẫn đến thực trạng nhiều ca bệnh diễn biến nhanh, nguy kịch tử vong" – ông Phan Thanh Dũng cho biết thêm.
Cần phân loại bệnh nhân sao cho phù hợp với các tầng điều trị
Đánh giá về công tác điều trị hiện nay tại Trà Vinh, BS Hoàng Trọng Hanh nhận định, với số ca nhiễm vẫn đang trong tầm kiểm soát, hệ thống y tế Trà Vinh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác thu dung, điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở tầng 1,2.
Nếu làm tốt công tác sàng lọc, phân loại bệnh nhân để kịp thời đưa ra phương án điều trị phù hợp thì sẽ góp phần giảm các ca bệnh nặng, giảm tải cho các cơ sở điều trị thuộc tầng 3.
"Điều quan trọng nhất hiện nay đối với Trà Vinh đó là cần phân loại bệnh nhân sao cho phù hợp với các tầng điều trị, xác định nhu cầu về nhân lực, vật lực theo từng tầng 1,2,3 sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, tổ điều trị Đoàn công tác Bộ Y tế cũng sẵn sàng tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ về hồi sức, cấp cứu tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng trên địa bàn.
Trà Vinh cần lên phương án để kịp thời bổ sung các trang thiết bị, máy móc và các loại thuốc đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới" – BS Hoàng Trọng Hanh nhấn mạnh.
Tính đến 18h ngày 26/8 Trà Vinh đã ghi nhận tổng cộng 1.231 ca F0 tại 9/9 huyện, thành phố và 10 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong/mắc là 0,81%.
Trước đó, tỉnh Trà Vinh chưa có Bệnh viện Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, 07 bệnh viện dã chiến hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có khả năng thu dung 1.050 bệnh nhân COVID-19 với các triệu chứng nhẹ, trung bình cần thở oxy.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Toàn cảnh cuộc huy động gần 14.600 "chiến sĩ áo trắng" của ngành Y giúp miền nam chống dịch COVID-19