Trà Vinh - Kho báu du lịch bị lãng quên

21-04-2013 16:00 | Thời sự

Ðịa hình nhiều hình thái, có gò, giồng đất, sông - kênh - rạch chằng chịt, bờ biển dài 63km, đa dạng văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa vật thể, phi vật thể của người Khmer, Trà Vinh là vùng đất tiềm năng giàu có để phát triển du lịch...

Ðịa hình nhiều hình thái, có gò, giồng đất, sông - kênh - rạch chằng chịt, bờ biển dài 63km, đa dạng văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa vật thể, phi vật thể của người Khmer, Trà Vinh là vùng đất tiềm năng giàu có để phát triển du lịch, nhưng cho đến nay vẫn như một vùng trắng không có sản phẩm du lịch nào. Phải chăng đây là sự lãng quên hay lãng phí của ngành du lịch đối với tài nguyên này?

Trà Vinh là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phần cuối cù lao kẹp giữa sông Tiền Giang và sông Hậu Giang, cách TP. Hồ Chí Minh 176km. Có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống ở đây: Việt, Khmer, Hoa cùng những đặc trưng văn hóa riêng và sự giao hòa đa dạng phong phú.

Kho báu văn hóa vật thể ẩn trong những ngôi chùa

Thiên nhiên, sông nước miệt vườn Trà Vinh là “đặc sản” trong khu vực vì có khí hậu tốt, ít bị bão lũ. TP. Trà Vinh được mệnh danh là đô thị xanh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với hệ thống sông - kênh - rạch... chằng chịt và rộng khắp, nhiều vườn cây ăn trái, nhiều thủy hải sản nước ngọt - lợ - mặn đặc trưng với những điểm đến nổi tiếng như những tiểu khu sinh thái: Cù lao Long Trị, Long Hòa, Tân Quy, Cồn Nghêu, rừng ngập mặn. Chưa kể 63km bờ biển tạo nên những bãi tắm tuyệt đẹp như vùng biển Ba Động và mỏ nước khoáng Long Toàn có thể thành khu nghỉ dưỡng chữa bệnh cao cấp vì chất lượng của nước và môi trường trong lành... Trà Vinh còn nổi tiếng với huyền thoại, truyền thuyết ly kỳ và linh thiêng Ao Bà Om, một khu rừng rộng với hàng trăm gốc cây sao, cây dầu cổ thụ có tuổi vài trăm năm với những rễ cây nổi trên mặt đất mang nhiều hình thù lạ mắt, độc đáo, một cái ao quanh năm nước trong xanh, không lúc nào vơi, thả đầy hoa súng, hoa sen, đẹp như cảnh tiên ở hạ giới.

Trà Vinh - Kho báu du lịch bị lãng quên 1
 Chùa Hang.

Nhưng độc đáo và giàu có nhất ở vùng đất này là những ngôi chùa. Không đâu ở miền Tây Nam Bộ có nhiều chùa như Trà Vinh. Với đặc trưng vùng đất có nhiều người Khmer sinh sống từ cả ngàn năm trước, còn lưu giữ những phong tục tập quán và nét văn hóa nguyên thủy, nên ở đây hiện có tới 141 ngôi chùa Khmer. Ngoài ra còn có 90 ngôi chùa của người Việt và 5 ngôi chùa của người Hoa. Đặc biệt nhất là những ngôi chùa cổ của người Khmer, theo Phật giáo Tiểu thừa (Theravada Buddhism) còn giữ lại gần như nguyên gốc những đặc trưng của văn hóa Khmer. Trong số những ngôi chùa Khmer Trà Vinh, nổi tiếng nhất là 4 ngôi chùa cổ đều được xếp hạng “Di tích cấp Quốc gia”: Chùa Kông pông Chrây hay còn gọi là chùa Hang, chùa Angkorette Pali - Angkorajaborey - chùa Âng, chùa Nodol, chùa Samrông ek. Chùa Hang với cổng phụ phía Tây, khi qua cổng như đi vào một cái hang, để mở ra với rừng cây cổ thụ hàng trăm tuổi sum suê, đặc biệt mỗi hoàng hôn xuống, hàng ngàn con cò chao cánh đậu trắng trên các lùm cây um tùm, rộn rã tiếng chim gọi nhau, như một cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên, chùa còn là một bảo tàng triển lãm các tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo từ các rễ cây hàng trăm tuổi do các sư trong chùa tạo tác. Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Việt Nam, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của khu Ao Bà Om, ngoài những điêu khắc tượng Phật, hoa văn trang trí theo phong cách Ấn Độ và những tàng thư là kinh Phật viết trên lá buông có tuổi hàng trăm năm, chùa còn là “vương quốc” của các loài chim. Chùa Nodol còn gọi là chùa Cò vì trên khuôn viên chùa hơn 100 năm nay trở thành nơi cư trú của hàng ngàn con cò và hàng trăm loài chim quý, như một “vườn chim” khổng lồ, tạo một không gian kỳ bí. Chùa Samrôngek, với nhiều biểu tượng đậm đặc văn hóa Khmer cổ bằng đá quý và những tấm bia cổ, như “thạch thư” khắc chữ Khmer về những phong tục, tập quán, nghi lễ, nghi thức, truyền thuyết của người Khmer. Ngoài ra, còn một số chùa của người Việt, người Hoa khá nổi tiếng vùng này như: Chùa Lưỡng Xuyên (Long Phước), chùa Phước Minh Cung, chùa Giồng Lớn, chùa Giác Linh, chùa Di Đà (Tiên Châu)... Mỗi ngôi chùa là một kho báu tàng giữ về văn hóa bản địa, như bảo tàng sống động về văn minh sông nước Tây Nam Bộ.

Văn hóa phi vật thể bản địa độc đáo, phong phú

Nói đến Trà Vinh là nói đến người Khmer với nhiều lễ hội truyền thống lưu giữ những phong tục, tập quán từ ngàn xưa: Lễ Chol Chnam Thmay (mừng năm mới) vào tháng tư dương lịch với nhiều nghi lễ độc đáo, đặc biệt lễ té nước cầu may; lễ Dolta (lễ cúng ông bà) vào 1/9 âm lịch với những nghi thức tưởng nhớ tổ tiên hoàn toàn khác với người Việt; lễ Ok Om Bok và Hội đua ghe ngo (lễ cúng trăng) vào ngày rằm tháng 10 hay còn gọi lễ cúng cơm mới mang nhiều sắc thái văn minh lúa nước; lễ Dâng Bông (quyên góp xây cất công trình công cộng, chùa chiền...); lễ Dâng Phước (tưởng nhớ người thân qua đời), lễ Dâng Y (dâng áo cho các sư chùa Khmer)... Ngoài ra, còn những lễ hội của người Việt, người Hoa cũng rất độc đáo và mang những đặc trưng của miệt sông nước, khẩn hoang xa xưa: lễ hội Nghinh Ông (cúng biển), lễ Vu lan thắng hội (cúng Ông Bổn)...

Trà Vinh còn nổi tiếng với các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu địa phương như tre, trúc, gỗ dừa, lác, lục bình, các loại tranh ghép gỗ tạo hình từ gốc cây, vẽ trên lá buông, lá thốt nốt, điêu khắc gỗ mỹ thuật từ gốc rễ cây... Đặc biệt là nghề điêu khắc gỗ mà nghệ nhân lại là sư trong các ngôi chùa cổ Khmer, nhiều nhất là ở chùa Hang.

Trà Vinh còn là nơi đến để thưởng thức như một sự trải nghiệm về văn hóa ẩm thực những sản vật mang dấu ấn rất sông nước, rất đặc sắc, tuy dân dã nhưng không thua gì cao lương mỹ vị tuyệt phẩm nhân gian: cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer, đuông chà là ở Duyên hải, đuông dừa, mắm rươi Ba Động, bánh tét cốm dẹp Trà Cuôn, cá cháy Cầu Quan, tôm khô Vinh Kim, bánh canh Bến Có, rượu Xuân Thạnh. Đặc biệt mấy năm gần đây có loại dừa sáp chỉ có ở Hòa Tân, Cầu Kè như một loại thượng phẩm hảo hạng của dừa, ai đến Trà Vinh cũng đều muốn một lần nếm thử.

Trà Vinh - Kho báu du lịch bị lãng quên 2
 Thắng cảnh Ao Bà Om.Ảnh: D.T.H.

Và sự lãng quên hay lãng phí của ngành du lịch

Nhiều tiềm ẩn giàu có cả văn hóa vật thể, phi vật thể như thế, nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn cổ xưa độc đáo gắn với văn hóa tâm linh, phong tục, tập quán bản địa của những dân tộc sinh sống ở đây, nhiều hơn nữa những địa danh thiên nhiên trời đất ban tặng như những danh lam thắng cảnh thần tiên miền sông nước Tây Nam Bộ và sự giao thoa văn hóa của cư dân bản địa như một hình thái văn hóa đặc sắc của Trà Vinh. Nhưng tất cả như chỉ để “cất kho” tàng giữ, hay ở thể “tiềm ẩn” mà chưa được nhìn nhận khai thác thành sản phẩm du lịch và cũng không biết đến khi nào thì được khai thác. Chỉ có người dân Trà Vinh tự thưởng thức, tự hưởng thụ và tự biết với nhau. Ngoài ra, như để an ủi cho đỡ tủi, người dân nơi đây thường tranh thủ giới thiệu miền đất giàu có trù phú của mình những khách ở nơi khác đến Trà Vinh công tác. Phải chăng ngành du lịch cả tầm vĩ mô đến vi mô đã bỏ quên nơi này, hay đây là một sự lãng phí kho báu của ngành du lịch?

Từ các tour du lịch của các công ty lữ hành nội địa lẫn quốc tế ở Việt Nam, không có mặt địa danh Trà Vinh trong bản đồ điểm đến, mà chỉ có Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ. Đi suốt dọc TP. Trà Vinh, không hề thấy một địa chỉ văn phòng của một công ty lữ hành hay du lịch nào. Trong các khách sạn ở Trà Vinh cũng không hề có “chào” tour Trà Vinh. Người nước ngoài đến Trà Vinh xem như của cực hiếm.

Trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, dù có phần phát triển du lịch khu vực đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, sông Mê Kông, nhưng Trà Vinh vẫn vắng mặt. Không biết những người có trách nhiệm thuộc ngành du lịch cấp nhà nước, địa phương đến khi nào xây dựng dự án chiến lược khai thác, phát triển du lịch cho Trà Vinh, để Trà Vinh thành một trong những điểm đến đầy kỳ thú ở miền sông nước Tây Nam Bộ?                 

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn