Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thì hiện nay, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương và tỷ lệ nợ vẫn còn cao. Theo đó, tổng số nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến 12/2016 là 7.795 tỷ đồng, trong đó: nợ BHXH bắt buộc là 6.716,2 tỷ đồng (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), nợ BHTN là 337 tỷ đồng và nợ BHYT là 742,2 tỷ đồng…
Xuất phát từ thực tế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương với tỷ lệ còn cao, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động, căn cứ Khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH năm 2014 quy định trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì xây dựng Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của người lao động để hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan.
Cụ thể, dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 16 điều, hiện đang trong quá trình được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến đóng góp - trước khi gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định này trình Chính phủ ban hành.
Một trong những quy định đáng chú ý của Dự thảo của Nghị định này là: Đối với các trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí đảm bảo khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.
Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH quy định: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chậm đóng tiền BHXH, BHTN; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo đảm quyền lợi của NLĐ do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, ý kiến thảo luận của các đại biểu đều thống nhất với dự thảo Nghị định trong việc xác định nguyên tắc đối với quản lý nợ BHXH, BHYT, BHTN: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý nợ; bảo đảm dễ dàng, tạo thuận lợi trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong các đơn vị nợ...
Đồng thời, nhằm tăng cường công tác quản lý thu hiệu quả ngay từ đầu, gắn kết hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; theo đó, đảm bảo quản lý, đôn đốc đơn vị ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động để hạn chế, khắc phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng sau này, các đại biểu đều thống nhất bổ sung thêm 01 Điều “Tổ chức quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị hoàn thành việc đăng ký thành lập, hoạt động nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN” vào dự thảo Nghị định.