Hà Nội

Trả tiền lương trên hiệu quả công việc giải pháp cần cân nhắc

16-03-2018 21:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ này đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Trong đó, Bộ đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương giúp doanh nghiệp (DN) thu hẹp khoảng cách các bậc lương, tính toán lại thang bảng lương dựa trên năng suất công việc thay vì thâm niên làm việc như hiện nay.

Đây là đề xuất có lợi cho DN, bởi lẽ nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thị trường và không tạo động lực cho người lao động. Người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao (cùng làm một công việc nhưng DN phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15 - 20 năm cao gấp 2 - 3 lần người mới vào làm việc). Thực trạng này dẫn đến DN không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động và tuyển lao động mới.

Vấn đề trả lương theo hiệu suất công việc là vấn đề không mới, đã được nhiều ngành và địa phương đề cập tới. Đánh giá về chính sách tiền lương hiện nay, TS. Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, ở nước ta hiện nay, vừa sử dụng mức lương cơ sở chung cho tất cả cán bộ, công chức vừa áp dụng hệ số lương. Hệ số nhân phức tạp là nguyên nhân của các vấn đề bất cập hiện nay về lương trong khu vực công. Nhiều công chức có hệ số lương tương tự trong một bộ phận, phá vỡ hệ thống phân cấp và thẩm quyền trong đơn vị. Với hệ thống hệ số lương như vậy, rất khó để bảo đảm sự bình đẳng giữa khu vực công và tư. Nên thiết lập lương cơ bản theo cấp bậc và phụ cấp ở dạng con số tuyệt đối chứ không phải là nhân hệ số. TS. Chang Hee Lee cũng chỉ ra hạn chế của việc quy định trình độ bằng cấp chuyên môn của một số vị trí việc làm có thể gây ra phân biệt trong việc trả lương. Cụ thể, một tiến sĩ thì hệ số lương cao hơn cử nhân nhưng thực chất đây chỉ là vấn đề bằng cấp, còn hiệu quả công việc thì chưa được đánh giá. Việt Nam nên thiết kế chế độ lương trên hiệu quả và chất lượng công việc chứ không dựa trên bằng cấp.

Mới đây, TP.HCM muốn tính toán lại việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc. Đây là một trong những đề xuất cụ thể của UBND TP.HCM vừa được gửi đến các cơ quan Trung ương nhằm phục vụ xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương. Theo UBND thành phố, bảng lương hiện nay còn nặng về bằng cấp. Theo định kỳ 2 hoặc 3 năm, công chức sẽ được nâng một bậc lương thay vì căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ đảm trách. Các mức lương trong bảng lương công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động.

UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh chế độ hưởng lương của công chức để thu hút nhân tài và nâng cao trách nhiệm của công chức. Theo đó, tiền lương tối thiểu của công chức ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án sửa đổi quy định trên:

Phương án 1: Quy định mang tính chất định tính để DN và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể (bỏ quy định 5%) tiền lương để dựa trên độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng.

Phương án 2: Vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Phương án này có ưu điểm Nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng DN ép tiền lương của người lao động ở mức thấp, nhưng có nhược điểm hạn chế quyền chủ động của DN trong việc xây dựng thang lương, bảng lương.

Căn cứ các điều kiện thị trường lao động, năng lực của doanh nghiệp, sức ép việc làm hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần có lộ trình thực hiện và đề nghị nên chọn phương án 2.

Hy vọng các giải pháp tính lương mới sẽ tháo gỡ những khó khăn tài chính cho DN và người lao động yên tâm cống hiến tâm sức cho sự phát triển.


MINH QUÂN
Ý kiến của bạn