Rau má. |
Sau đây là một số loại trà, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần.
Bài 1: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô.
Cách chế: các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày.
Công dụng: thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
Bài 2: Cây chó đẻ răng cưa 200g, lá đắng 100g, cam thảo 100g, bạch truật 100g. Các dược liệu ở dạng khô. Sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bao kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Mát gan, chống khát, dưỡng tỳ vị. Bài này phù hợp với những người có chức năng gan bị suy giảm, hay lở ngứa, ít ngủ, tiêu hóa kém.
Bài 3: Hoa hòe 200g, cỏ mần trầu 200g, cỏ xước 100g, táo nhân 100g, lá sen 200g, cam thảo 100g.
Cách chế: Riêng táo nhân sao đen. Các vị kia sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Thanh tâm, bổ tâm, giải khát, làm bền vững thành mạch. Bài này phù hợp với những người bị tăng huyết áp có biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, ngủ không yên giấc, hồi hộp, hay quên.
Bài 4: Ích mẫu 200g, kim tiền thảo 200g, lá đinh lăng 200g, rễ cây bí đỏ 100g, cam thảo 100g (phơi khô các dược liệu). Sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, bài thạch. Trong bài: ích mẫu và kim tiền thảo là hai vị đặc trị sỏi tiết niệu. Rễ bí đỏ lợi niệu, chống khát. Cam thảo bổ tỳ và điều hòa các dược liệu. Bài này phù hợp cho những người bị sỏi thận, sỏi mật, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, với những triệu chứng: đau vùng hố thận, tiểu đỏ, tiểu ít, hoặc có biểu hiện thận bị ứ nước.
Lương y Trịnh Văn Sỹ