Ngày 18/4, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV. Rất nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng đang được quan tâm đã được các Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH trả lời...
3 giải pháp đột phá trong đào tạo nghề, giảm thất nghiệp
Đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn về vấn đề thanh niên học nghề nhưng ra trường lại không có việc làm, giải pháp giải quyết tình trạng này... Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với 10 nhóm giải pháp cơ bản: xác định chuẩn GDNN; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN; đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở GDNN theo hướng tăng cạnh tranh, tự chủ, bảo đảm hiệu quả; đổi mới chương trình tuyển sinh; tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu đổi mới nâng cao chất lượng GDNN; quản lý chất lượng GDNN; tăng cường quản lý nhà nước GDNN; tăng cường truyền thông.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn.
Trong 10 giải pháp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chọn trọng tâm 3 vấn đề có tính đột phá là tăng cường tính tự chủ trong hoạt động của cơ sở GDNN; tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo; và tập trung nâng cao chất lượng của GDNN để hệ thống này tiếp cận được chuẩn giáo dục đào tạo nghề của quốc tế.
Về tình trạng học viên trốn trại, Bộ trưởng cho biết, công tác cai nghiện được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo trực tiếp về vấn đề này. Thời gian tới, Bộ tập trung triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện: nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn; hoàn thiện thể chế; tăng cường kinh phí; tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ,...
Ngăn chặn tại gốc thông tin xấu, độc
Tại phiên họp chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT &TT) Trương Minh Tuấn về công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Về giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin xấu trên mạng xã hội, Bộ trưởng cho biết, giải pháp hoàn thiện thể chế (đã ban hành Thông tư 38), đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống; trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin...; xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân); đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 2.000 clip xấu độc trên kênh youtube. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những trang giả mạo; bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chúng, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế để quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Về vấn đề tin nhắn rác, Bộ trưởng nêu rõ những nguyên nhân về mặt quản lý, giám sát, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT&TT. Sở dĩ chưa giải quyết được triệt để vấn đề này là vì lợi ích của nhiều bên (cả nhà mạng, lẫn đại lý và người dùng...). Để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, thời gian qua, Bộ TT&TT đã quyết liệt xử lý vấn đề này. Tinh thần của Bộ là phải chặn ngay từ đầu ra (ngăn chặn từ nhà mạng), quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu... Thời gian qua, Bộ đã thu hồi khoảng 20 triệu sim rác. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau.