Hai Phiếm chợt nhớ:
- Sắp tới ngày 20/11 rồi.
- Ngày này dạo tôi và bác còn đi học sao mà vui thế nhỉ. Bọn mình tự vẽ thiếp tặng thầy cô với lời chúc thật chân thành trong đó. Rồi hì hụi làm báo tường như quà cả lớp tặng thầy cô. Bố mẹ ở nông thôn có người biếu cân gạo nếp, nải chuối, ở thành phố thì có người biếu cân cam. Chính tôi có lần ra công viên vặt trộm một bông hoa tặng cô giáo...
- Tóm lại là rất hồn nhiên và là tấm lòng thật sự. Nhưng đấy là ngày xưa.
- Ngày xưa hay nay thì thầy và trò vẫn là quan hệ dạy và học chứ sao?
- Nhưng ngày nay thực dụng hơn nhiều. Trước hết là bỏ tiền vào phong bì cho gọn nhẹ. Rồi cái phong bì như là “đút lót” để thầy cô “ưu ái” con mình hơn.
- Vậy là hối lộ dù nhỏ nhưng con trẻ biết dễ đánh mất lòng kính trọng với thầy cô hơn? Quan hệ thầy trò bớt thiêng liêng hơn trước đây...
- Bao giờ cho đến ngày xưa nhỉ để cành hoa, tấm thiệp hay những món quà nho nhỏ, đều xuất phát từ cái tâm mà không có sự toan tính hay ẩn nấp động cơ nào khác...
- Khỉ! Từng gia đình, từng thầy cô phải cùng nhau tìm lại ý nghĩa thật cho ngày 20/11 chứ ngồi mà mong cái đã mất tự quay lại được à?
- Khó!
- Chả có gì khó bởi tôi tin phần lớn thầy cô không thích nhận quà cùng sự mất uy trước học trò. Và cũng phần lớn các gia đình cũng đâu dư dả gì. Chẳng qua là “tâm lý đám đông”, thấy nhà khác có phong bì chả nhẽ nhà mình không có...
Bỗng Hai Phiếm thở dài:
- Chao ôi, chỉ vì tính ích kỷ của bố mẹ mà làm hại con cháu chúng ta!