Thật sự vui mừng và cảm động khi được anh Phan Văn Hải, Trưởng phòng Bảo vệ, Bệnh viện Trung ương Huế cho xem những lá thư của rất nhiều người dân – bày tỏ sự biết ơn và cảm kích trước tinh thần làm việc đầy trách nhiệm cũng như tấm lòng trung thực “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế.
Với nhiều nét chữ, loại giấy khác nhau, nhưng đa số các lá thư được viết một cách nắn nót, cẩn thận, cô đọng bài học về nhân cách làm người “Đói cho sạch, Rách cho thơm” trong cuộc sống hiện nay. Cho dù, đâu đó lòng tham và sự vụ lợi đang trỗi dậy, lòng tốt bị ” đánh cắp”, thì việc trả lại hàng trăm triệu đồng cho người đánh mất mà không đòi hỏi một lời cảm ơn hay sự hậu tạ nào của nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế, càng trở nên đáng trân trọng và tôn vinh.
Chị Đ.N.T.A (TP. Huế), trong lá thư cảm ơn của mình, chị cảm động cho biết, năm 2016, vào lúc 20 giờ, ngày 30 tết chị vào bệnh viện để thăm người nhà thì vô tình để rơi ví tiền, trong đó có 20 triệu đồng, sau 1 giờ phát hiện ra chị chạy đi tìm, ra đến cổng, gặp các anh bảo vệ, được biết 2 anh: Phạm Trần Hiếu và Võ Quang Tấn (phòng Bảo vệ) nhặt được. Sau khi nhận lại số tiền, chị tỏ ý muốn hậu tạ, nhưng các anh kiên quyết không nhận.
Một trường hợp khác, chị Đ.T.V. N. (TP. Huế), trên đường đi làm về đánh rơi túi xách, trong đó có 1 điện thoại Smartphone, giấy tờ tùy thân và tiền mặt trên 50 triệu đồng. Cảm giác hoang mang, lo lắng vô cùng, nhưng thật may mắn túi xách của chị không mất mà được anh Lương Nguyễn Cát Thi (phòng Bảo vệ) nhặt được và vui vẻ trả lại sau đó.
Những bức thư cảm ơn của bệnh nhân gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế
Gần đây nhất (8/2016) là trường hợp của chị H.T.S. (Thừa Thiên Huế). Trong thư cảm ơn gửi Bệnh viện Trung ương Huế và khoa Mắt, chị xúc động cho biết, chị là một bệnh nhân tại khoa Mắt, chị nhập viện cấp cứu để mổ mắt. Sau khi xuất viện về nhà một ngày chị phát hiện bỏ quyên ví tiền trong gối dành cho bệnh nhân, số tiền: 7 triệu đồng. Chị phân vân vì thời gian ra viện đã lâu, phòng bệnh lại nhiều người ra vào, chị nghĩ tiền đã mất rồi. Nhưng, được sự động viên của người thân, chị mạnh dạn gọi đến khoa Mắt thì được cho biết số tiền bỏ quên đã được chị hộ lý Nguyễn Thị Minh Phượng nhìn thấy và đã báo cho Ban chủ nhiệm Khoa cất giữ, và đang tìm cách liên lạc với chị để trả lại.
Một trường hợp khác, năm 2013, của vợ chồng anh N.V.P. (TP. Huế), đến Bệnh viện Trung ương Huế thăm người thân đau nằm viện, do vội vàng không may để quên một cặp da tại nhà xe của bệnh viện, khi về đến nhà mới phát hiện bị mất. Anh liền quay lại nhà xe để tìm và rất mừng anh được thông báo anh em tổ giữ xe nhặt được. Trong cặp có một số giấy tờ quan trọng và số tiền mặt 200 triệu đồng. Nhận lại số tiền mà anh tưởng mình như đang mơ, anh nghĩ vào thời điểm kinh tế khó khăn nhưng tập thể anh em tổ xe của bệnh viện đã giữ được phẩm chất tốt của con người, chứng tỏ họ là những nhân viên gương mẫu của bệnh viện.
Ngoài ra, còn nhiều nghĩa cử cao đẹp của các anh bảo vệ, chị hộ lý…“nhặt được của rơi, trả lại cho người mất”, như anh Trần Văn Hiếu (phòng Bảo vệ) nhặt được 534 đô la; anh Nguyễn An Chung tìm thấy 9.900.000 đồng, anh Dương Ngọc Nghĩa, nhặt được với số tiền: 9.800.000 đồng…
Những việc làm của các anh chị đã làm nên những hành động cao quý cho chính bản thân người bị mất và cộng đồng, xã hội. Và mỗi hành động như vậy của các anh, chị luôn được Ban giám đốc Bệnh viện hoan nghênh, biểu dương khen ngợi, nhằm tôn vinh, nhân rộng gương người tốt việc tốt trong toàn viện.
Thiết nghĩ, còn đó nhiều hành động, những nghĩa cử cao đẹp như các anh bảo vệ, chị hộ lý… trong xã hội tiến bộ và văn minh này.