Đó là thông điệp mà vở diễn Mẹ ơi con sắp lớn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ vừa ra mắt vào tối 11/6/2013 tại Thủ đô. Ở đó là câu chuyện mà mỗi chúng ta đã có thể chứng kiến, nghe đến, biết đến về những đứa trẻ nông thôn chưa đến độ tuổi lao động tối thiểu nhưng đã phải lên thành phố đi làm thuê vì những món nợ của gia đình.
Cóp nhặt những chi tiết không hiếm xung quanh trong cuộc sống đời thường về tình cảnh những em bé nông thôn lên thành phố giúp việc các gia đình, tác giả - đạo diễn Sĩ Tiến đã dựng lên câu chuyện dung dị nhưng đầy xa xót. Đó là câu chuyện về cuộc đời của hai cô bé Hân và Hà, mới tuổi 13 – 14, cái tuổi mà lẽ ra phải được cắp sách tới trường, được âu yếm trong vòng tay bố mẹ, nhưng hai cô bé đã phải xếp lại các giấc mơ để đi kiếm sống, phụ giúp gia đình. Ở cái tuổi mà “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Hân (Lan Anh) đã phải làm ôsin cho một gia đình công chức giàu có, ngoài việc lau nhà, giặt giũ, cơm nước còn phải trông cụ già suốt ngày chỉ ngồi xe lăn. Còn Hà (Diệu Hoa) làm ôsin cho một quán cơm thì suốt ngày cắm cúi lo bưng bê, rửa bát. Trong cuộc mưu sinh ấy, tâm hồn trong sáng của Hân và Hà đã phải đối diện với sự vô tâm của người lớn, của mối quan hệ chủ - tớ, của sự phân biệt giàu nghèo, rồi những thành kiến trong xã hội với những người bị mang kiếp làm thuê và đặc biệt sự đối xử thiếu tôn trọng, mặc định những người nghèo khổ, đi làm thuê thường hay tham tiền, ăn cắp khiến tâm hồn trẻ thơ bị tổn thương. Cao trào của vở là khi Hân bị ông chủ tra vấn về chiếc ví của khách bị mất, em uất ức và nằng nặc xin mẹ cho về quê. Bao ước mơ lên thành phố của cô bé bị tan vỡ. Điều duy nhất mà cô bé Hân còn tin và khao khát là muốn trở về quê trong sự yêu thương, che chở của bố mẹ.
Vở diễn Mẹ ơi con sắp lớn của Nhà hát Tuổi trẻ nằm trong Dự án về đề tài phòng chống xâm hại, lạm dụng lao động trẻ em để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em và Tháng hành động vì trẻ em với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam. Lâu nay, sân khấu dường như bỏ quên mảng đề tài nhức nhối này. Câu chuyện của Mẹ ơi con sắp lớn không chỉ nhằm mục đích thuần túy tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho cộng đồng mà còn là câu chuyện cảm động, mang tính nhân văn sâu sắc, thức tỉnh tâm hồn mỗi người về những ứng xử, hành xử của mình với con trẻ trong xã hội. Mặc dù tác giả viết theo lối luận đề, thiếu quá trình cho sự chuyển biến tâm lý nhân vật khiến đôi chỗ gượng ép, nhưng vài mảng miếng xử lý khéo léo, tinh tế khiến thông điệp vở diễn rõ ràng. Đắc địa nhất là việc để cái xe lăn của ông cụ bố chủ nhà mang theo rất nhiều mặt nạ chứng kiến cuộc đời của cô bé Hân, từng chiếc mặt nạ cứ bị bóc dần, bóc dần cho đến khi người lớn chợt nhận ra: Chính chúng ta đang đánh cắp tuổi thơ của con trẻ.
Hoàng Dũng