Trà dược trị cảm mạo

10-11-2012 07:27 | Y học cổ truyền
google news

Thời tiết mưa nắng thất thường, lúc nóng lúc lạnh làm cho cơ thể không thích ứng kịp khiến ngoại tà xâm nhập mà dẫn đến chứng cảm mạo. Biểu hiện chủ yếu là người ớn lạnh, hắt hơi, chảy nước mũi,

(SKDS) - Thời tiết mưa nắng thất thường, lúc nóng lúc lạnh làm cho cơ thể không thích ứng kịp khiến ngoại tà xâm nhập mà dẫn đến chứng cảm mạo. Biểu hiện chủ yếu là người ớn lạnh, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, đầu nặng hoặc đau đầu, không ra mồ hôi; đôi khi có rối loạn tiêu hóa như nôn, đại tiện lỏng. Cách chữa là làm ấm cơ thể để trừ phong tán hàn, hòa vị tiêu thực. Ðông y có nhiều bài trị chứng này hiệu quả. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Bài 1: Kinh giới 10g, tô diệp 10g, lá chè 6g, gừng tươi 10g, đường hoa mai 30g. Kinh giới, tô diệp, gừng tươi đun trong lửa nhỏ khoảng 10 - 15 phút, sau cho đường vào chờ tan hết là được. Mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần sáng chiều, uống nóng. Công dụng: phát tán phong hàn, giảm thống. Chữa cảm mạo phong hàn, rét run, đau mình mảy, không ra mồ hôi.

Bài 2: Bạch chỉ 30g, hoa kinh giới 3g, trà khô 3g. Bạch chỉ và hoa kinh giới tán bột, cho trà vào, đổ nước vừa đủ nấu nước uống. Ngày 2 lần, mỗi lần 6g. Công dụng: chứa cảm phong hàn giai đoạn đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu…

Trà dược trị cảm mạo 1
 Trà thuốc là một phương pháp rất hiệu quả trị cảm mạo.

Bài 3:Lá tía tô, khương hoạt, lá chè mỗi thứ 9g. Tất cả tán thành bột thô, đổ nước sôi hãm uống. Ngày 1 thang, uống tùy ý trong ngày. Công dụng: tán giải phong hàn, đau đầu, tăng nhiệt để ra mồ hôi.

Bài 4: Hạnh đào nhân 25g, hành củ 25g, gừng tươi 25g, lá chè 15g. Hạnh đào nhân, hành, gừng giã nát, cho vào nồi đất cùng với lá chè, thêm nửa bát nước đun sôi, gạn bỏ bã lấy nước uống. Mỗi ngày 1 thang, uống nóng, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi. Chú ý tránh gió. Công dụng: giải biểu tán hàn, tỏa mồ hôi. Chữa trị cảm mạo phát sốt, đau đầu nặng người không ra mồ hôi được. Hoặc gừng, hành mỗi thứ 15g, muối ăn 3g giã nát, cho vào túi vải vắt lấy nước để xoa ngũ tâm (ngực, lưng, gan bàn tay bàn chân, nách và khoeo chân, nếp gấp khuỷu tay) để chữa cảm mạo rất tốt.

Bài 5: Gừng tươi 3 lát, đường hoa mai vừa đủ. Pha 2 thứ với nước sôi uống thay chè. Ngày uống 1 - 2 lần.

Bài 6: Khương hoạt 30g, bạch chỉ 12g, hoàng linh 15g. Cho cả 3 vị vào nước sôi hãm uống thay chè. Ngày 1 thang chia uống trong ngày, uống nóng. Công dụng: trừ phong tán hàn. Chữa ngoại cảm phong hàn, đau đầu, đau mình, ngạt mũi, sổ mũi, sốt.

Bài 7: Gừng tươi 3g, tô diệp 3g. Gừng tươi thái chỉ, lá tía tô rửa sạch. Cho cả hai thứ vào cốc, rót nước sôi ngâm 10 phút uống thay trà. Ngày uống 2 thang sáng chiều, uống nóng. Công dụng: trừ phong tán hàn, điều khí hòa vị. Chữa cảm phong hàn, đau đầu phát sốt, buồn nôn, cồn ruột, đau dạ dày, chướng bụng.

Ngoài việc uống trà, có thể ăn món cháo sau: tía tô 1 nắm, hành lá nửa lạng, gừng tươi 1 củ. Tía tô và hành đem xắt nhỏ, dùng sống dao đập dập gừng. Gạo tẻ một nắm vo sạch, nấu thành cháo, khi nồi cháo hoa chín tới, cho hành, gừng, tía tô vào, thêm mắm muối, mì chính, hạt tiêu, ăn nóng rồi trùm chăn ngủ cho ra mồ hôi, dậy sẽ khỏi.           

  Lương y Thái Hòe


Ý kiến của bạn